Tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, những cánh đồng lúa hữu cơ cò bay thẳng cánh. Chỉ tay về phía cánh đồng mẫu, nơi những chiếc máy gặt đập liên hoàn đang hối hả thu hoạch nốt số diện tích hè thu còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðức Chính chia sẻ: Ðây là cánh đồng lúa hữu cơ của Hợp tác xã Thanh Sơn được sản xuất theo chương trình xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, do Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị thực hiện.
Anh Nguyễn Ðình Nam, xã viên Hợp tác xã Thanh Sơn cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ về chủ trương sản xuất nông nghiệp gạo hữu cơ, gia đình anh đã ký hợp đồng nhận sản xuất trên thửa ruộng 4 ha bằng giống lúa RVT của Tổng công ty cổ phần giống cây trồng T.Ư. Trong quá trình sản xuất, có cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị hướng dẫn làm đất, gieo cấy và sử dụng bón phân hữu cơ đúng cách; đồng thời, gia đình ký cam kết, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ phải bồi thường 30 triệu đồng/ha và bị Công ty đơn phương hủy bỏ hợp đồng. Vụ hè thu, sâu bệnh tàn phá lúa trên toàn tỉnh, nhiều diện tích chung quanh mất trắng, nhưng hàng chục héc-ta lúa do Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị hợp tác đầu tư với các hộ nông dân vẫn phát triển tốt và cho năng suất đạt từ 53 đến 56 tạ/ha.
Giám đốc Hợp tác xã Thanh Sơn Nguyễn Thái Tình chia sẻ: Ðây là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Khi ký cam kết, công ty đặt mức năng suất phải đạt 2,5 tạ/sào, nếu diện tích nào không đạt vì yếu tố khách quan, công ty sẽ bù đắp cho nông dân. Ngược lại đối với những diện tích đạt và vượt công ty sẽ thu mua lúa tươi với giá 7 nghìn đồng/kg, trả tiền ngay tại chân ruộng. Vì thế có rất nhiều hộ phấn đấu năng suất 2,6 - 2,8 tạ/sào và được công ty thanh toán khoản tiền vượt như tiền thưởng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ vừa cải tạo đất, đưa đất trở về môi trường hữu cơ tự nhiên, vừa cung cấp vi sinh vật hữu ích, tái tạo môi trường, góp phần cân bằng hệ sinh thái, cho năng suất cây trồng tăng vượt trội và ổn định, không xảy ra hiện tượng năm được mùa, năm mất mùa; hạn chế các bệnh hại cây trồng như đạo ôn, rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân… Khi thu hoạch, sản phẩm của người dân sẽ được thu mua toàn bộ theo ký kết thỏa thuận giữa Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và phân phối ra thị trường dưới thương hiệu "Gạo hữu cơ Quảng Trị", với chất lượng đủ điều kiện để xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản…