Quảng Trị hướng đến vùng nuôi tôm công nghệ cao 

Đây là hướng đi mới được tỉnh Quảng Trị đưa vào Nghị quyết và xác định ngành thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Trị năm 2019, giai đoạn 2020-2025.

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - vừa có buổi làm việc với các Sở, ngành liên quan để bàn về giải pháp, định hướng phát triển diện tích tôm nuôi trên địa bàn. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển ngành thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng phải hướng đến mô hình nuôi bền vững, ứng dụng công nghệ cao.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị, tính đến cuối năm 2018, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 3.343,5ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 933ha. Sản lượng nuôi tôm đạt 4.532 tấn, giá trị ước đạt 679,8 tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản năm 2018. Hiện nhu cầu giống tôm nuôi trên địa bàn khoảng 100 triệu con post 15/năm đối với tôm sú, 1,5 tỷ con post 12/2 vụ nuôi/năm đối với tôm thẻ chân trắng.

quang tri huong den vung nuoi tom cong nghe cao
Nuôi tôm chân trắng ven biển rất hiệu quả, đây đang là lợi thế, tiềm năng cho phát triển ngành thủy sản Quảng Trị

Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Trị - cho biết, trong vấn đề tái cơ cấu nền nông nghiệp, Quảng Trị đã xác định đưa con tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng là một trong 2 con nuôi chủ lực tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Hiện Quảng Trị đang hướng đến các hình thức nuôi tôm bán thâm canh, bền vững môi trường; nuôi tôm thâm canh; nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quy trình tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, để khai thác dư địa trong nông nghiệp, thời gian tới địa phương kêu gọi đầu tư, liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn trong việc chuyển giao công nghệ nuôi tôm. Qua đó, không ngừng nâng cao đời sống của người nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tăng giá trị sản phẩm, tăng GDP địa phương.

Tuy vậy, một thực trạng khó khăn hiện nay của nghề nuôi tôm ở Quảng Trị là địa phương chưa chủ động sản xuất và cung cấp đủ nguồn giống cho các hộ nuôi; việc kiểm soát chất lượng con giống từ bên ngoài đưa vào nuôi chưa được chặt chẽ. Đến nay, tại Quảng Trị chỉ có 1 cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống với năng lực 5 triệu con giống tôm sú post/năm (đáp ứng khoảng 5% nhu cầu), 95% nhu cầu còn lại (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) được nhập từ các tỉnh phía Nam như Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa... Đây là một trong những vấn đề khó khăn trước mắt cũng như lâu dài của Quảng Trị trong việc chủ động nguồn tôm giống cho sản xuất.

Ngoài ra, việc xử lý môi trường nước cho ao nuôi chưa được bà con chú trọng, kiểm soát dịch bệnh trên con tôm còn gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm đang gặp nhiều hạn chế như việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn yếu, quy trình công nghệ, ứng dụng thực tiễn sản xuất, phương thức nuôi tôm đang còn nhỏ lẻ manh mún, đặc biệt là nguồn lực kinh tế của các hộ nuôi tôm đang còn hạn chế.

Cũng theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, kế hoạch nuôi tôm năm 2019 và định hướng giai đoạn 2020 - 2025 đã được vạch ra. Trong đó, năm 2019 phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 32.700 tấn (khai thác: 24.200 tấn; nuôi trồng: 8.500 tấn). Ổn định diện tích nuôi tôm toàn tỉnh 933ha, sản lượng 5.000 tấn, giá trị 750 tỷ đồng. Duy trì nuôi tôm sú, ổn định với diện tích 450ha; chuyển đổi cơ cấu nuôi ở các vùng nuôi chuyên tôm thường xuyên bị dịch bệnh tại một số vùng nuôi tôm có điều kiện cơ sở hạ tầng không đảm bảo nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh và thâm canh.

Đến năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 1.500ha, tổng sản lượng đạt 6.800 tấn, giá trị sản xuất tôm ước đạt 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2025, sẽ hình thành một số vùng sản xuất tôm công nghệ cao, vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đến năm 2025 ổn định đạt 1.500 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 8.800 tấn, giá trị sản xuất tôm ước đạt 1.500 tỷ đồng…

Hướng đến trung tâm nuôi tôm công nghệ cao, bền vững, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các dự án về nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo vùng nuôi hướng đến an toàn dịch bệnh. Nhất là hệ thống cấp nước, ao chứa nước thải, hệ thống điện, đê bao, đường chính vào vùng nuôi tôm tập trung. Đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện tăng cường quản lý quy hoạch phát triển nuôi tôm nhằm tránh chồng chéo với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các lĩnh vực khác…

Theo ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - chúng ta cần phải nhìn nhận, đội ngũ ngành thủy sản mạnh nhưng chưa thực sự bật lên những khát vọng vượt trội để làm những việc vừa có ích cho tỉnh vừa tăng thu nhập cho chính mình. Vì vậy, cần rà soát lại diện tích quy hoạch nuôi tôm toàn tỉnh khớp nối với các quy hoạch khác. Nếu chồng lấn thì điều chỉnh để xử lý. Nơi nào có thể phát triển kinh tế du lịch thì phát triển, nơi nào thấy chưa phù hợp thì đề xuất để chuyển đổi nhằm đạt mục tiêu đưa ngành tôm phát triển mạnh mẽ hơn.

Về giải pháp nguồn giống, Chủ tịch Nguyễn Đức Chính cho rằng, cần củng cố lại trung tâm giống, cho phép trung tâm giống đề xuất cơ chế nhằm mục đích tạo ra giá trị cao hơn. Đồng thời, liên kết với các đơn vị tư nhân có năng lực để hỗ trợ tối đa, mở rộng các mô hình nuôi tôm phù hợp.

Nguyễn Tuấn

973 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1036
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1036
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87147980