Trong đó, phần lớn số tiền hỗ trợ cho hơn 560 chuyến biển khai thác hải sản xa bờ. Còn lại hỗ trợ cho ngư dân mua máy thông tin liên lạc tầm xa (HF) để trang bị cho hàng chục tàu cá.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã hỗ trợ các chủ tàu thành lập 111 tổ, đội sản xuất trên biển với trên 2.600 ngư dân tham gia. Mô hình này đã tạo tâm lý an tâm cho ngư dân cùng nhau vươn khơi, khai thác hải sản, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau hiệu quả hơn.
Tính đến thời điểm này, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt cho 32 ngư dân được vay vốn để đóng mới tàu cá, theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó, ngư dân đã đóng mới và đưa vào sử dụng 25 tàu cá công suất lớn gồm 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã phê duyệt cho 118 chủ tàu được vay vốn để nâng cấp tàu cá công suất lớn theo Nghị định 67/NĐ-CP; trong đó đã có 93 tàu đi vào hoạt động.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, hầu hết ngư dân đã triển khai đóng mới, nâng cấp tàu kịp thời và khai thác hải sản có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đội tàu khai thác xa bờ…
Thống kê cho thấy, trong 9 tháng qua ngư dân Quảng Trị đã khai thác được gần 18.700 tấn hải sản, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng lưu ý, nhiều chủ tàu làm nghề lưới vây trúng đậm các loại cá như cá nục gai, nục suôn, bạc má… Trong đó, giá cá nục gai tăng gấp đôi so với năm ngoái từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, giúp nhiều chủ tàu làm nghề này thu lãi cao.
Đặc biệt, nghề lưới chụp khai thác mực cũng cho hiệu quả kinh tế cao, khi giá mực tăng lên 250.000 đồng/kg, cao hơn cùng thời điểm năm ngoái từ 30.000-40.000 đồng/kg…