Quảng Trị: Hiệu quả tích cực và những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cơ sở 

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị luôn coi việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn, kiến thức xã hội… cho cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và sự cần thiết của việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo Quy định 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị, từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị rất chú trọng việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2015-2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 87-KH/TU, ngày 29/6/2015 về “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên ở cơ sở từ năm 2015 đến năm 2020”. Sau 5 năm thực hiện, đã có 413 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (chiếm tỉ lệ 100%); 2.394 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý (chiếm tỉ lệ gần 90%) và gần 7.000 cán bộ, đảng viên ở cơ sở được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới ít nhất một lần trong nhiệm kỳ đại hội.

Bước sang nhiệm kỳ 2020-2025, phát huy những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 18-KH/TU, ngày 29/4/2021 để chỉ đạo thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh. Chỉ trong 02 năm (2021-2022) đã có 1.580 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý và hơn 2.500 cán bộ, đảng viên ở cơ sở được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới.

Trên cơ sở bám sát nội dung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo bổ sung thêm những chuyên đề mới mang tính thực tiễn địa phương nhằm trang bị trang bị đầy đủ, toàn diện các kiến thức cả lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề mới trong đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức mới về quốc phòng an ninh, về đường lối đối ngoại của Việt Nam, về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, về chuyển đổi số, về khoa học lãnh đạo, quản lý, những kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, chính quyền… . Nội dung chương trình được thiết kế hợp lý đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực chỉ đạo, điều hành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên ở cơ sở qua bồi dưỡng đã được nâng cao trình độ lý luận chính trị; khả năng tiếp thu và vận dụng đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Đa số cán bộ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức được bồi dưỡng, cập nhật vào thực tiển công tác Đảng, công tác chính quyền, đoàn thể và công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở từng bước nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận, kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên ở cơ sở, từ đó góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ trong thực hiện Quy định 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Từ thực tiễn việc tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên ở cơ sở, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ cấp ủy các cấp là nhân tố quyết định dẫn kết thành công của việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ đảng viên ở cơ sở,

Thứ hai, cán bộ được bố trí vào chức danh thuộc đối tượng nào thì cần được bồi dưỡng phù hợp với chức danh, đối tượng đó, cần hạn chế việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức chung chung nhất loạt cho tất cả các chức danh, đối tượng theo cùng một chương trình.

Thứ ba, nội dung chương trình và năng lực giảng viên, báo cáo viên là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả của mỗi lớp bồi dưỡng. Khung chương trình cần bố trí thời gian hợp lý. Nội dung các chuyên đề phải đáp ứng các vấn đề lý luận và thực tiễn mà công tác lãnh đạo, quản lý đang cần được luận chứng, phân tích, lý giải. Nội dung chương trình từng năm nên có sự điều chỉnh, cập nhật thông tin mới. Cần đặc biệt quan tâm bố trí giảng viên, báo cáo viên là những chuyên gia vừa chuyên sâu về kiến thức lý luận vừa am hiểu về các vấn đề thực tiễn, có năng lực trình bày, thuyết giảng, đối thoại, thảo luận.

Thứ tư, công tác chuẩn bị có ý nghĩa quyết định đến mức độ thành công của mỗi lớp. Cần chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, làm tốt công tác chuẩn bị trước khi mở lớp, ban hành nội quy, quy chế học tập cho từng lớp, tổ chức, quản lý lớp học nghiêm túc, hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, tránh sự chồng chéo, lãng phí. Hạn chế tình trạng cán bộ tham gia nhiều lớp cập nhật, bồi dưỡng lý luận nhưng nội dung trùng lặp. Châu Minh

2536 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 655
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 655
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77161019