Triển khai thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo tổ chức lồng ghép vào Hội nghị Tỉnh ủy để quán triệt Quy định số 164 đến các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị -xã hội cấp tỉnh, Trường chính trị Lê Duẩn, các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện, thị, thành uỷ và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Chỉ đạo cấp uỷ các cấp, lãnh đạo các địa phương, đơn vị tổ chức hội nghị quán triệt hoặc lồng ghép vào các hội nghị của cấp ủy nhằm quán triệt nội dung Quy định số 164 cho cán bộ, đảng viên của cấp mình.
Cụ thể hóa Quy định số 164-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã ban hành Kế hoạch số 87-KH/TU, ngày 29/6/2015 về “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên ở cơ sở từ năm 2015 đến năm 2020”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) ban hành Kế hoạch số 18-KH/TU, ngày 29/4/2021 để chỉ đạo thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh. Chỉ trong 02 năm (2021-2022). Ngoài ra, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành nhiều công văn, kế hoạch, hướng dẫn việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo thuộc đối tượng 3, đối tượng 4 trong phạm vi toàn Đảng bộ.
Kết quả triển khai thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW, trong nhiệm kỳ 2015-2020, đã có 413 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (chiếm tỉ lệ 100%); 2.394 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý (chiếm tỉ lệ gần 90%) và gần 7.000 cán bộ, đảng viên ở cơ sở được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới ít nhất một lần trong nhiệm kỳ đại hội. 02 năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, đã có 1.580 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới.
Đặc biệt, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định số 164, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực như: Chú trọng mời đội ngũ giảng viên, báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành chuyên sâu trên các lĩnh vực đến từ Trung ương và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để truyền đạt các chuyên đề. Thiết kế nội dung chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đáp ứng nhu cầu người học. Tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phối hợp với Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đối tượng 4 tại địa phương theo cụm để tạo điều kiện cho học viên trong việc đi lại. Tổ chức cho học viên viết thu hoạch tại lớp ngay sau khi kết thúc khóa học. Thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương....
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao trình độ lý luận chính trị; khả năng tiếp thu và vận dụng đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của thực tiễn. Đa số cán bộ đã vận dụng tốt kiến thức đã được bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao vào các mặt công tác Đảng, công tác chính quyền, đoàn thể và công tác chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực tư duy và kỹ năng xử lý các tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Nội dung các chương trình bồi dưỡng đã từng bước đổi mới, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; bám sát, cập nhật được những vấn đề mới; tăng cường nội dung về khoa học lãnh đạo, quản lý; rèn luyện năng lực tư duy khoa học, tầm nhìn chiến lược; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực tiễn, khả năng tập hợp thuyết phục quần chúng; bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên còn chủ quan, chưa ý thức rõ tầm quan trọng của việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nên tham gia khóa học còn chưa nghiêm túc. Nhiều cán bộ thuộc đối tượng 3, đối tượng 4 là lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị, địa phương vừa học vừa phải giải quyết công việc cơ quan nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến việc học tập tại lớp.
Từ thực tiễn đó, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ cấp ủy các cấp là nhân tố quyết định dẫn kết thành công của việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Hai là, cán bộ được bố trí vào chức danh thuộc đối tượng nào thì cần được bồi dưỡng phù hợp với chức danh, đối tượng đó, cần hạn chế việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chung chung nhất loạt cho tất cả các chức danh, đối tượng theo cùng một chương trình.
Ba là, nội dung chương trình và năng lực giảng viên, báo cáo viên là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả của mỗi lớp bồi dưỡng. Khung chương trình cần bố trí thời gian hợp lý. Nội dung các chuyên đề phải đáp ứng các vấn đề lý luận và thực tiễn mà công tác lãnh đạo, quản lý đang cần được luận chứng, phân tích, lý giải. Nội dung chương trình từng năm phải có sự điều chỉnh, cập nhật thông tin mới. Quan tâm bố trí giảng viên, báo cáo viên là những chuyên gia vừa chuyên sâu về kiến thức lý luận vừa am hiểu về các vấn đề thực tiễn, có năng lực trình bày, thuyết giảng, đối thoại, thảo luận.
Bốn là, công tác chuẩn bị có ý nghĩa quyết định đến mức độ thành công của mỗi lớp. Cần chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, làm tốt công tác chuẩn bị trước khi mở lớp, ban hành nội quy, quy chế học tập cho từng lớp, tổ chức, quản lý lớp bồi dưỡng nghiêm túc, hiệu quả.
Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, tránh sự chồng chéo, lãng phí. Châu Minh