Với vị thế nằm ở tuyến đầu của Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) và ở cuối Quốc lộ 9 gắn với cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị được xem là “điểm nhấn” nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Cảng Cửa Việt cách Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo 90 km, cách vùng Đông Bắc Thái Lan 300 km theo đường xuyên Á, là cung đường ra biển ngắn nhất so với 1.000 km nếu đi ngược về hướng vịnh Thái Lan hoặc biển Myanmar. Đây là lợi thế để cảng Cửa Việt phát triển thành cảng lớn giúp cho việc lưu thông hàng hóa đường biển thuận lợi hơn giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Với bờ biển dài 75 km, tỉnh Quảng Trị là địa phương có hệ sinh thái biển đa dạng, ngư trường rộng lớn, nguồn hải sản phong phú. Ngoài Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị còn có Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ dồi dào tiềm năng để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch biển, đảo. Đặc biệt có nhiều bãi tắm đẹp dọc tuyến biển là điều kiện để phát triển du lịch. Tiềm năng khí ở các mỏ Kèn Bầu, Báo Vàng trên thềm lục địa Việt Nam cách biển Quảng Trị khoảng 65-120 km là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, là tiền đề quan trọng, thuận lợi để phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi. Sự kết hợp giữa các yếu tố luồng gió mạnh, vùng nước nông, các đô thị gần bờ biển, bến cảng và công nhân lành nghề là điều kiện lý tưởng cho phát triển điện gió ngoài khơi. Tháng 8/2022, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị xem xét, bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cồn Cỏ vào quy hoạch phát triển điện lực. Dự án này có quy mô công suất 1.000 MW, địa điểm xây dựng ở vùng biển ngoài khơi đảo Cồn Cỏ và huyện Gio Linh.
Ngoài hai khu vực trọng điểm phát triển là Cửa Việt, Cửa Tùng, hiện nay ở khu vực ven biển các xã Triệu An, Triệu Vân, huyện Triệu Phong và xã Hải An, Hải Dương, huyện Hải Lăng đang hình thành cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng thì khu vực ven biển từ Triệu Phong đến Hải Lăng được kỳ vọng là đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh. Từ đó hình thành hành lang kinh tế đa lĩnh vực, đa ngành nghề từ khu du lịch nghỉ dưỡng, khai thác, chế biến thủy, hải sản, công nghiệp điện khí, dịch vụ logistics và cảng biển.
Đầu tháng 10/2021, tỉnh Quảng Trị trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng của Công ty CP Tập đoàn T&T và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Giai đoạn 1 của dự án có công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án bao gồm tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam là T&T Group và các doanh nghiệp uy tín của Hàn Quốc là Công ty CP Năng lượng Hanwha (HEC), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo). Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc tế.
Ngoài cảng vận tải hàng hóa Cửa Việt giữ vai trò trung tâm, tỉnh Quảng Trị còn có 2 cảng cá và 3 khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá, gồm: cảng cá Cửa Tùng, cảng cá kết hợp khu neo đậu trú tránh bão Bắc Cửa Việt, khu neo đậu trú tránh bão đảo Cồn Cỏ. Các cảng cá và khu neo đậu đã được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Hiện nay, cảng Mỹ Thủy được xác định trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg, ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cảng biển nước sâu có vị trí rất thuận lợi để làm đầu mối trung chuyển hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông-Tây với quy mô đảm bảo cho tàu 100.000 tấn cập bến. Cảng Mỹ Thủy nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được xác định là dự án động lực góp phần hình thành và phát triển khu kinh tế. Hiện tại, dự án đầu tư cảng Mỹ Thủy được nhà đầu tư triển khai các thủ tục để khởi công xây dựng.
Khách du lịch đến với đảo Cồn Cỏ -Ảnh: Đ.T
Hệ thống hạ tầng quan trọng của tỉnh như đường bộ, đường sắt đã và đang được đầu tư xây dựng; trong đó phải kể đến hệ thống giao thông từ Quốc lộ 9 nối cảng Cửa Việt với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quốc lộ 9D nối các điểm du lịchdịch vụ Cửa Việt-Cửa Tùng-Vịnh Mốc, Quốc lộ 49C nối với trung tâm Khu kinh tế Đông Nam đi Cửa khẩu quốc tế La Lay. Đây là sự kết nối về giao thông lý tưởng giúp tỉnh Quảng Trị mở rộng hợp tác, giao thương bằng đường biển.
Tuyến đường ven biển Quảng Trị từ lâu được xác định là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đến nay, tuyến đường này mới đầu tư xây dựng được 23,5 km, có điểm đầu phía Nam cầu Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong và điểm cuối ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Đoạn đường này cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2019, tạo động lực cho sự phát triển của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Riêng đoạn còn lại của tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình với tổng chiều dài khoảng 56 km gồm 2 đoạn: đoạn 1 từ Nam cầu Cửa Việt đến ranh giới tỉnh Quảng Bình dài khoảng 44 km, đoạn 2 từ đường ven biển đến trung tâm TP. Đông Hà dài khoảng 12 km với tổng mức đầu tư 2.970 tỉ đồng, đang được phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Sự kết nối liên hoàn các tuyến đường trục ngang ven biển và trục dọc nối với Quốc lộ 9 trên Hành lang kinh tế Đông-Tây sẽ là cơ hội để tỉnh Quảng Trị giao lưu, hợp tác với các nước khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và mở lối ra Thái Bình Dương bằng đường biển.
Mặc dù dư địa phát triển còn rất lớn, nhưng kết quả về phát triển kinh tế biển của địa phương vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, sớm đưa tỉnh Quảng Trị mạnh về biển, giàu lên từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, tỉnh Quảng Trị tập trung quy hoạch không gian biển. Trong định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, lấy thị trấn Cửa Việt làm trung tâm. Theo đó, khu vực phía Bắc gồm các xã ven biển huyện Vĩnh Linh và phía Bắc huyện Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng sẽ tập trung phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa.
Khu vực trung tâm thuộc huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong, hạt nhân là đô thị Cửa Việt phát triển hỗn hợp tất cả các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và cảng biển, khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Khu vực phía Nam huyện Hải Lăng, hạt nhân là hai xã Hải An và Hải Dương thuộc đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị phát triển thương mại dịch vụ, dịch vụ cảng công nghiệp đa ngành và logistics. Bên cạnh đó còn có khu vực phía Đông hình thành tam giác du lịch biển, đảo là: Cửa Tùng-Cửa Việt- đảo Cồn Cỏ.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang đề xuất đưa vào quy hoạch tam giác kinh tế Cửa TùngCửa Việt- đảo Cồn Cỏ trở thành khu du lịch tiềm năng quốc gia có sức cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch các nước trên Hành lang kinh tế Đông- Tây, cũng như khách du lịch trong nước và quốc tế,
Thứ hai, kêu gọi và huy động nguồn lực đầu tư phát triển tuyến đường ven biển để nối kết thành chuỗi đô thị ven biển được xem là khâu “đột phá” trong nỗ lực liên kết vùng, phá thế cô lập về kinh tế giữa các vùng, địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đa dạng với quy mô lớn, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh biển, đảo.
Thứ ba, tập trung huy động, xây dựng kết cấu hạ tầng và khu kinh tế ven biển của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, đồng thời ưu tiên phát triển hệ thống các trung tâm đô thị, đặc biệt là khu vực thị trấn Cửa Việt, Cửa Tùng, tạo “điểm tựa” cho các khu dân cư và các khu chức năng khác phát triển nhằm gia tăng lợi ích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội; từ đó hình thành các khu kinh tế năng động, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, tạo điểm nhấn kinh tế.
Thứ tư, xác định khoa học-công nghệ biển phải trở thành động lực phát triển kinh tế biển bằng những việc làm cụ thể, như phát triển công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và quy trình tiên tiến phục vụ điều tra, nghiên cứu, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên biển, bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong xử lý ô nhiễm và ứng phó sự cố môi trường, thiên tai trên biển. Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp tái tạo, phục hồi tài nguyên và môi trường; mở rộng diện tích vùng biển được bảo tồn. Đẩy mạnh giám sát và dự báo thiên tai, sự cố môi trường biển bằng các thiết bị hiện đại, công nghệ cao và tăng cường năng lực cho hệ thống trạm quan trắc, phục vụ dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết bất thường trên biển.
Thứ năm, nghiên cứu, tập trung phát triển vận tải biển và cảng biển. Trong tương lai, khi hình thành cảng nước sâu Mỹ Thủy với quy mô đón nhận tàu có tải trọng lớn lên tới 100.000 tấn và hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, như tuyến đường sắt xuyên Á kết nối Mỹ Thủy tới Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; Quốc lộ 15D kết nối đi Cửa khẩu quốc tế La Lay và trục đường bộ cao tốc Bắc-Nam…thì việc rút ngắn được quãng đường vận tải trên biển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương sẽ giúp cảng Mỹ Thủy trở thành một đầu mối giao thông quan trọng, đáp ứng không chỉ nhu cầu của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị mà còn có tiềm năng vươn tầm quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa liên vùng và hàng hóa quá cảnh sang các nước trong khu vực như Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanmar.
Do đó, cần nghiên cứu kêu gọi đầu tư khu dịch vụ hậu cần logistics tại khu vực cảng Mỹ Thủy. Để có thể phát huy tối đa lợi thế của một tỉnh giáp biển, tăng cường năng lực vận tải bằng đường thủy đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp ngày càng cao trong tương lai, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một số vị trí cảng biển tiềm năng như Vịnh Mốc, Triệu Lăng… để kịp thời kiến nghị bổ sung vào quy hoạch cảng biển khi đủ điều kiện.
Thứ sáu, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, nghỉ ngơi, giải trí biển đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế. Phục hồi sinh thái rừng ven biển, đan xen phát triển bất động sản đô thị du lịch biển, kết hợp với du lịch môi trường. Nâng cấp chất lượng môi trường sống của các khu dân cư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Cuối cùng, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho các sản phẩm vùng biển tỉnh Quảng Trị. Làn sóng đầu tư vào tỉnh Quảng Trị ngày càng tăng là tín hiệu tích cực thúc đẩy phát triển kinh tếxã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch biển. Tỉnh Quảng Trị cam kết có sự hỗ trợ cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội, qua đó hình thành các khu kinh tế năng động, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, tạo điểm nhấn kinh tế. Đây chính là hiện thực hóa khát vọng làm giàu từ biển của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị.