Ngoài ra, trong các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ (2016-2020), (2020-2025); các kết luận của Tỉnh ủy hàng năm về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngân sách Nhà nước đều có mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo. Quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, từ tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh ban hành một số văn bản. Các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa văn bản cấp trên hoặc hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục, dạy nghề và các trường học.
Về công tác tuyên truyền, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Tạp chí Cửa Việt mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng; thông qua hội nghị Báo cáo viên Cấp ủy các cấp, “Tài liệu sinh hoạt Chi bộ”, “Bản tin Tỉnh ủy Quảng Trị”, “Cổng thông tin Điện tử Đảng bộ tỉnh”, hội thảo chuyên đề, hội nghị, giao ban... bản tin, tập san, kỷ yếu, trang web, cổng thông tin điện tử của Sở, Công đoàn Ngành và các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục...trang facebook “Giáo dục nghề nghiệp Quảng Trị” của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để giới thiệu, phổ biến nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 95-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy và các văn bản liên quan lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề; tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ nhà giáo, các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên...chia sẻ kinh nghiệm, tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; giới thiệu những cách làm hay, đổi mới sáng tạo của các nhà trường và đội ngũ quản lý, nhà giáo; giới thiệu, biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, quy mô mạng lưới trường lớp từng bước được sắp xếp, mở rộng cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng được bổ sung về số lượng; tỷ lệ chuẩn hóa và trên chuẩn ngày càng cao. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp đã được triển khai thường xuyên, nghiên túc. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định; chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc; số học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế ngày càng nhiều; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt cao. Nhiều chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đạt và vượt. Đối với, giáo dục mầm non: Hàng năm tỷ lệ huy động các cháu trong độ tuổi nhà trẻ và trẻ mẫu giáo đều tăng từ 3%-5%. Đến quý I/2023, tỷ lệ huy động: Nhà trẻ 31,53%, mẫu giáo 91,52%. Toàn cấp học có 100% nhóm, lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Tỷ lệ trẻ phát triển bình thường (nhà trẻ đạt 92,3%; mẫu giáo đạt 91,6%). Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từng bước được hạ thấp và đang ở mức: nhà trẻ từ 3,55- 4,37%, mẫu giáo từ 3,6- 4,2% (giảm từ 3,2 - 3,9%/năm). Đến năm học 2022-2023, GDMN có 100% trẻ em được ở bán trú và học 2 buổi/ngày; 100% trẻ đến trường được học chương trình GDMN, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình; 100% trẻ được chăm sóc sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm dần hằng năm, đạt mục tiêu đề ra (dưới 10% năm 2015; dưới 5% năm 2020). Đến tháng 3/2023 có 97/147 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Về giáo dục phổ thông: Cấp tiểu học: Tính đến tháng 3/2023, tỉnh Quảng Trị có 125/125, (đạt tỷ lệ 100%) xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (vượt chỉ tiêu 20%). 89,8% trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; 9 buổi/ tuần (riêng lớp 1, lớp 2, lớp 3 đạt 100%); vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra; Cấp trung học phổ thông (THCS, THPT): chất lượng hai mặt (học lực và hạnh kiểm) được duy trì vững chắc, ngày càng đi vào thực chất. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS bình quân 5 năm (2015 - 2019) đạt 99,62%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT (THPT và GDTX) từ năm 2013 đến năm 2022 đạt tỉ lệ từ đạt 91,85%. Tính đến năm 2022, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 trở lên của tỉnh là 99,24% (thấp hơn mục tiêu đặt ra 0,46%); tỉnh đạt mức độ 2 về xoá mù chữ và mức độ 1 về phổ cập giáo dục THCS.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước phát triển vững chắc. Từ năm 2013 đến nay, có hàng ngàn em cấp THCS và THPT đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; toàn tỉnh có 234 học sinh bậc THPT đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi và sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, đặc biệt có 2 học sinh giành ngôi Quán quân (năm 2015, 2017) và 1 học sinh đạt Á quân (năm 2018) chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia; có 5 học sinh đạt giải khu vực và quốc tế. Toàn tỉnh có 174/367 (chỉ tính khối trường công lập) trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó mức độ 1(141), mức độ 2 (33).
Tiếp nối và phát huy thành quả sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội; cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đặc biệt đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tiếp tục phối hợp, đồng hành chăm lo đội ngũ nhà giáo; xây dựng cơ sở vật chất; tạo chuyển biến về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, QPAN, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Trí Ánh