Mưa lũ đã làm cho người nuôi trồng thủy sản ở Quảng Trị bị thiệt hại nặng. Ảnh: Công Điền.
Đến nay, mưa lũ đã làm gần 1.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại hoàn toàn, trong đó chủ yếu tại các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh và thành phố Đông Hà.
Trắng tay sau lũ
Chúng tôi đến huyện Vĩnh Linh khi nước lũ vừa rút chưa được bao lâu. Dư âm những đợt lũ kinh hoàng vẫn còn hiện rõ trên từng ngôi nhà và ánh mắt của người dân nơi đây.
Trước đó, hàng ngàn ngôi nhà và nhiều tài sản của người dân chưa kịp sơ tán đã bị nước lũ nhấn chìm. Đặc biệt, nước lũ đã nhấn chìm hàng trăm ha nuôi tôm, cá trên địa bàn huyện, gây thiệt hại nặng cho của người dân.
Vĩnh Sơn là địa phương chịu nhiều thiệt hại về nuôi trồng thủy sản nhất của huyện Vĩnh Linh, trong đó chủ yếu là người nuôi tôm. Tính đến nay khoảng 180 ha diện tích nuôi trồng thủy, trong đó trên 160ha nuôi tôm và 20 ha cá bị nước lũ nhấn chìm, mất trắng. Rơm rớm nước mắt, bà Tạ Thị Lành, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Trắng tay rồi chú ơi. Cả hồ tôm sắp thu hoạch trong một đêm đã không còn gì nữa. Trôi theo dòng nước lũ cả rồi”.
Cách đó không xa, chủ hồ tôm Trần Văn Troanh, người cùng xã với bà Lành nói như khóc khi vừa gặp chúng tôi: “Hết cả rồi chú ạ! Bao nhiêu vốn liếng, công sức của người dân giờ chỉ là nước trắng xóa. Nuôi tôm phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, giờ mất trắng, biết lấy gì để trả nợ”.
Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh khuôn mặt phờ phạc, quần áo xộc xệch sau mấy ngày vật lộn với nước lũ, cho biết: “Trước thông tin mưa lũ kéo dài, dù xã đã tổ chức nhiều cuộc họp và chỉ đạo, đôn đốc người dân chủ động phòng tránh mưa lũ. Nhưng lũ về nhanh quá khiến chúng tôi trở tay không kịp. Chỉ tính riêng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, mưa lũ đã cuốn bay của nông dân trên địa bàn xã trên 20 tỷ đồng”.
Theo vị lãnh đạo xã Vĩnh Sơn, phần lớn tôm của người dân đã gần xuất bán nhưng vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đầu ra không có. Người dân đang chờ thị trường phục hồi để xuất bán thì nước lũ về cuốn đi hết. Những hộ thiệt hại ít cũng vài chục triệu, nhiều cũng vài trăm ba trăm triệu, thậm chí có hộ thiệt hại lên cả tỷ đồng.
Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh, chỉ tính riêng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, thống kê đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 374 ha, trong đó trên 123 ha cá và 250 ha tôm bị thiệt hại hoàn toàn. Trong đó, xã Vĩnh Sơn thiệt hại nặng nhất với 180 ha, kế đó là xã Hiền Thành với 60 ha tôm, hư hỏng toàn bộ máy móc nuôi tôm của 80 hộ…
Ông Nguyễn Đình Lục, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, hiện chúng tôi đang tiếp tục thống kê số liệu thiệt hại của người dân đang để trình cấp trên hỗ trợ một phần kinh phí giúp nông dân vơi bớt khó khăn.
Mong chờ hỗ trợ để phục hồi sản xuất
Trong khi đó, tại huyện Triệu Phong, nước lũ tràn về đã nhấn chìm hàng chục ngôi nhà. Nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng vì ngâm nước lâu ngày. Mấy trăm chuồng trại gia súc, gia cầm bị ngập úng khiến hàng chục ngàn vật nuôi bị chết, cuốn trôi.
Hồ nuôi tôm của bà Nguyễn Thị Huê, xã Triệu Phước bị cuốn trôi chỉ còn mãnh lưới còn sót lại. Ảnh: Công Điền.
Riêng đối với nuôi trồng thủy sản, gần 200 ha ao hồ, trong đó chủ yếu là diện tích nuôi tôm và cá nước ngọt và số các lồng nuôi cá của người dân bị nhấn chìm trong nhiều ngày liền..
Tại xã Triệu Phước, nơi người dân chủ yếu sống nghề nuôi trồng trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nhất với gần 120 ha nuôi tôm và hàng chục lồng nuôi cá của người dân bị trôi theo dòng nước lũ.
Ông Võ Văn Dũng, trưởng thôn An Hà, xã Triệu Phước cho biết, toàn thôn có 52 lồng nuôi cá thì sau lũ bị trôi hoàn toàn. Ngoài ra, hàng chục hồ tôm, cá của người dân trong thôn cũng bị nước cuốn trôi. Ước tính thiệt hại ban đầu đã gần 5 tỷ đồng.
“Đời sống của bà con hiện nay rất khó khăn vì toàn bộ vốn liếng tích góp bao năm đã bị nước lũ cuốn trôi. Rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân để vượt qua khó khăn, tái đầu tư sản xuất”, ông Dũng đề nghị.
Theo UBND xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, phần lớn những đầm tôm, cá trên địa bàn bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua đều có thể xuất bán được. Mọi năm vào thời điểm này, hầu hết các hồ nuôi tôm, cá của người dân đều đã xuất bán hết. Nhưng năm nay chưa kịp bán thì dịch Covid-19. Nay nước lũ tràn về đã xóa sạch hết.
Ông Phan Quang Giải, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: Hiện nay công tác thống kê thiệt hại do mưa lũ vẫn đang được các cơ quan, đơn vị chức năng tích cực triển khai. Riêng đối với ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện bị thiệt hại quá nặng, vượt quá sự hỗ trợ của địa phương. Mong mỏi lớn nhất của người dân chính là các cấp tỉnh, trung ương cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân tái đầu tư sản xuất.
Trước đó, trong khuôn khổ buổi làm việc của đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu với UBND tỉnh Quảng Trị về công khắc phục hậu quả mưa lũ vào ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước những thiệt hại to lớn do mưa lũ đối với tỉnh Quảng Trị và các tỉnh miền Trung, Bộ NN-PTNT sẽ cử đoàn cán bộ kỹ thuật có chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản hỗ trợ các địa phương phục hồi ngành nông nghiệp. Đồng thời Bộ cũng sẽ huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cây con giống cho người dân tái đầu tư sản xuất sau lũ.
Tính đến ngày 20/10, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã làm cho 347,5 ha diện tích lúa bị ngập, bồi lấp không thể phục hồi; hơn 2.500 ha diện tích hoa màu các loại ngập úng, gãy đổ; 836,3 ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại (đậu, ngô, khoai, sắn) và gần 523 ha cây ăn quả bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, mưa lũ cũng làm 5.862 con gia súc, 547.868 con gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi và 1.388,21 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi gây thiệt hại hoàn toàn.
Để kịp thời hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai gây ra, hiện nay UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề xuất Bộ NN- PTNT, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN hỗ trợ tỉnh 2.000 tấn giống lúa, 80 tấn giống ngô, 15 tấn giống hoa màu các loại; 500.000 con giống gia cầm…
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn đề nghị hỗ trợ hóa chất tiêu độc, vật tư thiết yếu để xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau bão, lũ.