Quảng Trị: Hàng loạt hồ chứa thủy lợi xuống cấp 

Có đặc điểm về khí hậu và địa hình phức tạp nên tỉnh Quảng Trị thường chịu các loại hình thiên tai với tần suất và mức độ lớn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Chỉ riêng mùa mưa lũ năm 2017, đã xảy ra 15 đợt mưa lớn, lũ lớn, chịu 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gây thiệt hại nặng nề từ miền núi xuống đồng bằng, khiến 25 người thương vong, thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng. Diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khôn lường nên cận kề mưa lũ, vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa trên địa bàn nhằm đảm bảo cắt lũ cho vùng hạ du luôn được người dân quan tâm. Hiện Quảng Trị có 131 hồ chứa nước các loại, trong đó có 1 hồ Thủy lợi - Thủy điện, còn lại là hồ thủy lợi, có 12 hồ chứa có dung tích 3 triệu m3 trở lên. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, đến trung tuần tháng 8–2018, nhiều hồ chứa đã lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du như Thủy lợi–Thủy điện, Đá Mài, Tân Kim, Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2, Hà Thượng, La Ngà... Đối với các hồ chứa có quy mô nhỏ, Sở đã chỉ đạo chủ đập xây dựng phương án an toàn hạ du, phương án phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ lồng ghép vào phương án phòng chống lụt bão của các địa phương.

CA Quảng Trị thực hiện giải cứu nhiều em nhỏ và người dân bị mắc kẹt trong lũ lớn.

Tuy nhiên, các hồ đập xây dựng gần 30 năm trước đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Qua kiểm tra hồ Trúc Kinh (H. Cam Lộ), đập chính, đập phụ và cống áp lực được nâng cấp từ dự án WB7, đến nay công trình đảm bảo tính ổn định, tuy nhiên khi cao trình mực nước hồ cao hơn +18,20m thì xảy ra hiện tượng thấm ướt ở thân đập. Hay như đập Kinh Môn (H.Gio Linh), mái đá thượng lưu đập chính có hiện tượng lún không đều, không phẳng, một số vị trí cát sạn tầng lọc bị nước cuốn trôi gây sụt lún. Hệ thống thoát nước mặt trên mái hạ lưu của đập cũng bị xói trôi, hư hỏng...

Cũng qua đánh giá toàn diện của Sở NN và PTNT, 22 hồ chứa tại H.Vĩnh Linh xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa mưa lũ. H.Cam Lộ còn 12 hồ cần được nâng cấp sửa chữa, đặc biệt là hồ Khe Lau xây dựng năm 1984, hồ Khe Măng, hồ Trọt Giếng... Một công trình đáng lưu tâm nữa là tràn xả lũ Nam Thạch Hãn, bị hư hỏng nặng trong đợt lũ lớn năm 2016. Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương chỉ đạo phương án gia cố bảo vệ hố xói. Nhưng sang năm 2017, ảnh hưởng mưa lũ tiếp tục khiến hố xói tiếp tục bị xói sâu, làm xô lệch phần tường cũ phía hạ lưu gây nguy hiểm cho công trình. Đến tháng 5 – 2018, dự án sửa chữa tràn xả lũ Nam Thạch Hãn đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kỹ thuật. Công trình Thủy lợi Nam Thạch Hãn là công trình trọng điểm của tỉnh, có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho TX Quảng Trị, thêm hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong, đặc biệt là an toàn trong mùa mưa lũ nên tại cuộc làm việc với Tổng Cục Thủy lợi vào tháng 8–2018, Sở NN và PTNT kiến nghị Chính Phủ và các Bộ, ngành quan tâm bố trí đủ nguồn vốn 73 tỷ đồng để kịp thời sửa chữa.

Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng đề nghị Tổng Cục Thủy lợi quan tâm hỗ trợ sửa chữa và nâng cấp trước mắt cho 39 hồ chứa thủy lợi với kinh phí ước 823 tỷ đồng. Được biết, cũng do khó khăn về kinh phí, hàng loạt hồ chứa chưa được kiểm định an toàn đập do chủ đập không có nguồn kinh phí. Trong chuyến kiểm tra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ đập; giám sát, xây dựng hoàn thiện các công trình đê kè trọng điểm trước mùa mưa lũ. Phải luôn có lực lượng thường trực kiểm tra tình trạng hồ đập trong mọi tình huống, kiên quyết không để xảy ra những sơ suất, thiếu sót dẫn đến hậu quả khôn lường.

BẢO HÀ

580 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 380
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 381
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76372070