Những ngày cuối tháng 6, nắng nóng, khô hạn và nạn chuột phá vẫn hoành hành ở Quảng Trị khiến nhiều diện tích ruộng lúa của nông dân bị hư hỏng nặng.
Tình hình hạn hán ở tỉnh Quảng Trị đang diễn ra nghiêm trọng, đồng ruộng khô nứt nẻ, lúa chết. Ảnh: Ngọc Vũ
Thống kê của Sở NNPTNT Quảng Trị, địa phương này có 952 ha lúa bị khô hạn, có nguy cơ mất trắng. Thêm vào đó, tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng càng làm cho nền nông nghiệp và cuộc sống nhân dân thêm khó khăn.
Có mặt tại đồng lúa thôn Lễ Môn (Gio Phong, Gio Linh, Quảng Trị), PV Dân Việt ghi nhận nhiều diện tích lúa ở đây bị khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ.
Để đối phó hạn hán, nông dân Quảng Trị đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa hấu. Có diện tích bà con nông dân cuốc đất từng hố trồng xen dưa hấu với lúa. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Nguyễn Khắc Hiếu (55 tuổi, trú thôn Lễ Môn) cho biết, gia đình có 3,5 mẫu ruộng (20.000m2). Từ đầu vụ Hè – Thu, ông Hiếu đã chủ động chuyển đổi 7 sào (3.500m2) sang trồng dưa hấu, diện tích còn lại trồng lúa. Thế nhưng, do hạn hán và chuột tàn phá nặng nề nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông bị mất trắng.
Để hạn chế thiệt hại, giữa đồng lúa khô cháy, ông Hiếu cày, cuốc để tiếp tục trồng thêm 5 sào dưa hấu.
Theo ông Hiếu, hiện nay dưa hấu có giá 12.000 đồng/kg. Trung bình mỗi sào dưa hấu cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng, trong khi trồng lúa nếu được mùa chỉ bán được khoảng 850 ngàn đồng.
Nhiều diện tích dưa hấu của nông dân Quảng Trị đã bước đầu cho thu nhập, giá bán 12.000 đồng/kg, mỗi sào 500m2 bán được khoảng 4 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với làm lúa. Ảnh: Ngọc Vũ
“Trồng lúa tốn nhiều công sức, chi phí làm đất, phân bón…, còn trồng dưa hấu tốn ít chi phí hơn, giá cả lại cao hơn và không sợ khô hạn như lúa. Trên địa bàn thôn, xã đã có nhiều hộ chuyển đổi từ lúa sang trồng dứa hấu. Tôi đang khuyến khích bà con vụ Hè Thu năm sau tiếp tục trồng dưa hấu” – ông Hiếu nói.
Ông Hồ Xuân Hoè, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, trước tình hình khô hạn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đơn vị này đã lên kế hoạch ứng phó bằng việc nạo vét kênh mương dẫn nước từ các hồ đập về ruộng lúa; đắp đập dâng nước ở nhiều tuyến kênh mương…
Ngoài những giải pháp nêu trên, ông Hoè đánh giá cao và khuyến khích việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn phù hợp của nông dân.
Ngọc Vũ