Cùng đi còn có lãnh đạo Viện Sốt rét-ký sinh trùng&côn trùng Quy Nhơn cùng các chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế, Viện Dinh dưỡng... Đây là tổ công tác số 3 trong 7 đoàn công tác của Bộ Y tế về hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ và phòng chống dịch bệnh.
Chưa ghi nhận diễn biến dịch bệnh phức tạp sau lũ rút
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Lê Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đoàn công tác có nhiệm vụ lắng nghe, nắm bắt tình hình, kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực của y tế địa phương, đồng thời hỗ trợ cán bộ y tế địa phương cũng như người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống những dịch bệnh phổ biến sau lũ...
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hà Lâm Chi - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, qua 2 đợt mưa lũ, nhiều cơ sở y tế bị thiệt hại nặng nề, trong đó 40 trạm y tế ngập lụt sâu, có trạm bị sập tường rào, đổ hệ thống mái che... Đặc biệt, Trạm y tế xã Hướng Việt, huyện Hướng Hoá vẫn chưa thể đi vào hoạt động trở lại vì nước đã rút nhưng hàng trăm khối bùn đất vẫn ngập cao quá đầu gối. Các lực lượng y tế huyện và Sở Y tế chưa thể vào tiếp cận. Được biết, ngày 4/11, lực lượng chức năng đã được huy động vào xã Hướng Việt để xử lý và giải phóng đường.
Về tình hình dịch bệnh trong đợt mưa lũ vừa qua, theo ông Chi, không có điều gì đột biến, các bệnh ngoài da cũng không nghiêm trọng. Theo báo của ngành y tế Quảng Trị, địa phương đã ghi nhận 52 trường hợp sốt xuất huyết rải rác ở các ổ dịch nhỏ, các ổ dịch này không phải nằm ở vùng bị lũ. Bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận 10 trường hợp mắc. Các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận trường hợp nào.
TS. Lê Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đến Quảng Trị hỗ trợ xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ...
Giám sát sát sao an toàn thực phẩm do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ
Sau lũ, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân là một trong các vấn đề được quan tâm hàng đầu. Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, toàn bộ các huyện, thị của Quảng Trị đã có chỉ đạo giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm sau lũ, xử lý nguồn nước phục vụ ăn uống. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền đến người dân lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Truyền thông đến người dân thực hiện “Ăn chín, uống chín” tất cả các đồ ăn, thức uống được bảo quản tốt, tránh ẩm mốc, phòng chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi nhặng xâm nhập...
Điều đáng nói là, thời gian qua, nhằm chia sẻ những khó khăn mất mát của bà con Quảng Trị nên địa phương nhận được rất nhiều lòng hảo tâm chia sẻ của nhân dân cả nước hướng về miền Trung và Quảng Trị. Do đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại càng phải đặc biệt quan tâm hơn. Trước tình hình đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh để giám sát an toàn thực phẩm do các tổ chức hỗ trợ thông qua việc mua hàng đảm bảo tại siêu thị. Hiện 5/9 huyện đang triển khai công tác này, các địa phương còn lại cũng bước đầu thực hiện.
Tại cuộc làm việc này, ngành y tế Quảng Trị đã đề xuất Bộ Y tế cung cấp 100 cơ số thuốc để phòng chống các bệnh sau lũ. Nâng cấp, sửa chữa một số trạm y tế, Trung tâm y tế bị hư hỏng sau lũ...
Sau khi lắng nghe báo cáo của ngành y tế Quảng Trị, TS. Lê Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá cao kết quả cũng như tính chủ động trong công tác phòng chống dịch của Quảng Trị. Tại đây, các chuyên gia của Bộ Y tế cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp xây dựng cũng như các phương án dự phòng về diễn biến dịch bệnh sau lũ với ngành y tế Quảng Trị.
Đoàn công tác sẽ báo cáo Bộ Y tế về đề xuất của địa phương để sớm có hỗ trợ. Đoàn cũng đã trao cho Sở Y tế Quảng Trị... hàng ngàn phần quà, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng cường sức khỏe cho người dân vùng lũ.
H.Nguyên