Quảng Trị được đánh giá cao trong nỗ lực rà phá bom mìn sau chiến tranh 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink ca ngợi sự thành công của các hoạt động khảo sát, rà phá bom, mìn tại Quảng Trị khi khẳng định không có người dân nào tại tỉnh bị thương tổn vì vật liệu nổ sót lại từ thời chiến tranh.

Ngày 27-8, Hội thảo quốc tế về “Phương pháp khảo sát dấu vết bom đạn chùm”(CMRS) được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của Văn phòng Tháo gỡ và Giải trừ vũ khí - Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, các cơ quan hành động bom mìn quốc gia Campuchia, Lào, Việt Nam, các tổ chức trong nước, quốc tế, đại diện các cơ quan của các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị.

Đại biểu tham dự hội thảo về những cách làm hiệu quả nhất trong Khảo sát Dấu vết Bom đạn chùm (CMRS) chụp ảnh chung. Ảnh: DSQ Mỹ

Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ, hội thảo này là dịp tỉnh Quảng Trị chia sẻ về mô hình hợp tác thành công giữa các cơ quan hành động bom mìn cấp quốc gia và tỉnh, các chính phủ tài trợ, các đơn vị rà phá bom mìn của quân đội, tổ chức phi chính phủ, và các bên liên quan.

CMRS là một trong những sáng kiến đã được thử nghiệm và áp dụng tại tỉnh Quảng Trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động rà phá bom mìn, trong điều kiện diện tích ô nhiễm lớn, nguồn lực có hạn và yêu cầu an toàn cao của cộng đồng bị ô nhiễm bom mìn.

Vấn đề giảm thiểu nguy cơ của bom bi, bom chùm còn sót lại sau chiến tranh, luôn nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Đây là những vật nổ được xem là nguy hiểm hàng đầu trong việc gây ra thương vong tại Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng, kể từ sau khi kết thúc chiến tranh.

Thành viên của Tổ chức Peace Trees Việt Nam làm việc tại một địa điểm tháo gỡ bom mìn. Ảnh: DSQ Mỹ

Tại sự kiện, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink ca ngợi sự thành công của các hoạt động khảo sát, rà phá tại Quảng Trị. "Nhờ rất nhiều người đang có mặt trong phòng này, trong hai năm qua, không có người lớn hay trẻ em nào tại Quảng Trị bị thương tổn bởi vật liệu nổ sót lại từ thời chiến tranh", ông Kritenbrink nói.

Tại hội thảo, đại diện Việt Nam, Campuchia, Lào cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và cách ứng dụng kinh nghiệm đó để giúp hoàn thiện quy trình CMRS cũng như xây dựng tiêu chuẩn cho công việc này trên toàn cầu.

Thực tế cho thấy, CMRS những năm qua giúp các tổ chức chuyên trách phá dỡ vật liệu chưa nổ tìm và tháo gỡ bom mìn, vật nổ một cách hiệu quả và an toàn hơn.

Sau chiến tranh, Quảng Trị là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do bom mìn và các vật nổ còn sót lại. Bom mìn và vật nổ là nguyên nhân dẫn đến thương vong của trên 8.500 người dân Quảng Trị, kể từ khi chiến tranh kết thúc đến nay. Ở Quảng Trị, diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom mìn lên đến 82%, cao nhất nước.

Tiên An
317 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 840
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 840
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87064705