Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (áo trắng) đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chốt cách ly y tế tổ 5, khu phố 1, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Nhận diện dịch COVID-19 ở Quảng Trị
Trong 7 ngày từ 7 - 13/8, tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận 7 ca mắc COVID-19 gồm các bệnh nhân: 749, 750, 832, 833, 861, 862 và 904. Trong đó, ca bệnh 832 đã tử vong do bị viêm phổi nặng do COVID-19 trên nền bệnh đái tháo đường type 1 suy kiệt dài ngày, suy tim.
Vào sáng 7/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 công bố hai ca bệnh đầu tiên ở Quảng Trị là 749 và 750. Cụ thể, ca bệnh 749 là nữ, 27 tuổi, trú ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, là người chăm sóc người thân tại Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 17/7. Ngày 21/7, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, mỏi người.
Ca bệnh 750 là nam, 28 tuổi, trú tại phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà. Bệnh nhân 750 có tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân749 vào ngày 18/7. Ngày 25/7, bệnh nhân 750 khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, mỏi người. Hiện 2 bệnh nhân 749 và 750 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi Quảng Trị.
Ngày 9/8, tỉnh Quảng Trị ghi nhận thêm 2 ca bệnh mắc COVID-19 là 832 và 833. Đáng chú ý, 2 bệnh nhân này đều là F1 của bệnh nhân 750.
Đến ngày 11/8, tỉnh Quảng Trị tiếp tục ghi nhận thêm 2 ca bệnh gồm ca bệnh 861 có tiếp xúc gần với các bệnh nhân 750 và 833; ca bệnh 862 là mẹ và chăm sóc bệnh nhân 832 từ ngày 2 - 7/8 ở phòng 605, tầng 6, Nhà G thuộc Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị.
Đến tối 13/8, tỉnh ghi nhận thêm 1 ca bệnh là bệnh nhân 904. Bệnh nhân này là F1 của các bệnh nhân 750, 833, 861.
Như vậy, từ ca bệnh đầu tiên là 749 có liên quan đến Đà Nẵng, dịch đã lây lan trong cộng đồng qua 6 ca bệnh khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, ngay khi ghi nhận 2 ca bệnh đầu tiên là 749 và 750, tỉnh đã kích hoạt lại tất cả phương án, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "chống dịch như chống giặc" đồng thời chuyển cấp độ phòng chống dịch từ cấp độ 1 lên cấp độ 3, tức là đã có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Một trong những khó khăn cấp thiết nhất hiện nay đối với tỉnh Quảng Trị là truy vết những trường hợp F1 và F2 liên quan đến các ca mắc COVID-19 đã được xác định. Điển hình là trường hợp ca bệnh 861 có lịch trình đi lại khá phức tạp, thống kê ban đầu có 46 trường hợp F1 và trên 100 trường hợp F2. Trong khi đó, ca bệnh 862 từng chăm sóc con trai là ca bệnh 832, có liên quan đến trên 300 bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị đã xuất viện. Ngành y tế Quảng Trị đang tiếp tục điều tra và cách ly theo quy định đối với những trường hợp liên quan đến ca bệnh 862.
Ngoài ra, năng lực về thiết bị y tế của tỉnh cũng còn hạn chế, nhất là về xét nghiệm. Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Đỗ Văn Hùng cho hay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên một số vấn đề chưa đáp ứng nhu cầu như công suất phòng xét nghiệm, phương tiện vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, vật tư y tế, thiết bị khám và điều trị cho ca bệnh nặng.
Cơ hội “vàng” để khống chế dịch
Một khu dân cư ở Khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà bị phong tỏa. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
Tỉnh Quảng Trị đã và đang chủ động thực hiện đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm cao nhất là không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, tỉnh cần thực hiện quyết liệt hơn một số giải pháp để khống chế dịch COVID-19 bởi tỉnh đang có cơ hội “vàng” để khống chế dịch, do các ca bệnh mới được phát hiện với số lượng chưa nhiều nên có thể truy vết được.
Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương, tỉnh Quảng Trị đang còn cơ hội để dập dịch COVID-19. Muốn vậy tỉnh cần truy vết lại những trường hợp F1 và đưa đi cách ly y tế tập trung, lấy mẫu xét nghiệm những người có triệu chứng ho, sốt và xét nghiệm trên diện rộng để kịp thời phát hiện ca bệnh trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện mạnh mẽ hơn, để từng hộ dân hiểu và thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã phong tỏa các khu dân cư gồm xóm Bàu thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh; xung quanh Công ty Bảo Châu, số 221 Lê Duẩn, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà; khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà; tổ 5A thuộc Khu phố 1, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà; thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh cơ sở 2; tầng 6, nhà G, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã được phong tỏa.
Việc phong tỏa các khu dân cư có ca bệnh được chính người dân địa phương ủng hộ. Bà Hoàng Thị Mỹ - Khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà cho biết, người dân trong khu vực phong tỏa không hoang mang bởi có nhu cầu gì chỉ cần ra chốt chặn sẽ có người hỗ trợ.
Cùng với phong tỏa khu dân cư có ca bệnh, chính quyền địa phương tổ chức truy vết ngay những trường hợp F1, F2 để kịp thời cách ly. Ông Thái Văn Thành - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, địa phương đã chủ động cách ly những trường hợp F1 tại Bệnh viện Y học cổ truyền và khách sạn Ngân Hà. Những điểm cách ly này đều được khử trùng, vệ sinh sạch sẽ.
Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Tăng chia sẻ: Thông qua lịch trình tiếp xúc của ca bệnh, chính quyền thông báo những nơi ca bệnh đến làm việc, học tập, vui chơi để những người có liên quan khai báo y tế và cách ly.
Trong khi đó, toàn thành phố Đông Hà thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày kể từ tối 10/8 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ghi nhận ở địa phương này cho thấy, phần lớn người dân chấp hành giãn cách xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn khá đông người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường ở trung tâm thành phố Đông Hà như Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Quốc lộ 9. Người dân còn tập trung đông, không giữ khoảng cách trong khi chờ mua hàng ở một số quán bán đồ ăn sáng mang về.
Tỉnh Quảng Trị cũng chú trọng tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 đến từng hộ dân. Ngoài tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin truyền thông, tỉnh còn thành lập tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng ở tất cả khu dân cư. Mỗi tổ có từ 2 - 3 người là cán bộ tổ, thôn, khu phố ở khu dân cư. Mỗi tổ phụ trách từ 20 - 30 hộ, hàng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nhằm tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời phát hiện những người đi từ các tỉnh, thành có dịch trở về, người có tiếp xúc với ca bệnh xác định và nghi ngờ đang ở trong các hộ để báo cáo chính quyền địa phương.
Làm việc với tỉnh Quảng Trị về phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 11/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Bộ Y tế đã kiến nghị tỉnh thực hiện triệt để hơn về giãn cách xã hội ở thành phố Đông Hà, cũng như tăng cường năng lực của ngành y tế và cộng đồng trong công tác giám sát, điều tra dịch tễ, thu dung điều trị cho các ca bệnh F0, những trường hợp F1 và ca nghi ngờ phải được phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, năng lực về trang thiết bị y tế của tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là về năng lực xét nghiệm. Do đó, tỉnh cần nâng cao năng lực xét nghiệm nếu muốn tận dụng được cơ hội “vàng” đang có để khống chống dịch; đồng thời triển khai khu hồi sức trong Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị để tiếp nhận những ca COVID-19 nặng, đặc biệt phải bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân.