Tỉnh Quảng Trị đề nghị được tham gia Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số- CRIEM”
Mới đây, Đoàn công tác liên Bộ và ADB gồm: Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã làm việc với các Sở, ban ngành tỉnh Quảng Trị và 4 huyện: Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh, Vĩnh Linh liên quan đến đề xuất tham gia Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số- CRIEM” của tỉnh này.
Trước đó, tại Văn bản số 813/UBND-KHTC của Ủy ban Dân tộc về việc thực hiện Dự án CRIEM, Bộ KH&ĐT, Uỷ ban Dân tộc đã thống nhất và đồng ý đưa tỉnh Quảng Trị vào tham gia dự án này.
Mục tiêu của dự án nhằm giảm nghèo bền vững, đảm bảo sinh kế cho cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch, làng nghề và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án CRIME được triển khai trên địa bàn 4 huyện: Hướng Hoá, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Thông qua thực hiện dự án, sẽ xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nhằm hỗ trợ sinh kế và phát triển bền vững 74km; xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cấp công nghệ và hệ thống phân tích rủi ro thiên tai hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án sẽ tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế -xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Dự kiến thời gian chuẩn bị dự án từ năm 2019-2020; thời gian thực hiện và giải ngân vốn ODA từ năm 2021-2025.
Hiện, Chính phủ và ADB đang triển khai Dự án CRIEM tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, tại buổi làm việc, đoàn công tác liên Bộ và ADB đã chỉ ra một số điều kiện cụ mà tỉnh này phải đáp ứng nếu muốn tham gia Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Cụ thể, tỉnh Quảng Trị phải thỏa mãn các điều kiện như: Năng lực vay trả nợ theo quy định của Luật Quản lý nợ công ban hành năm 2017 và Luật Ngân sách năm 2015; có đủ khả năng bố trí vốn đối ứng; Quảng Trị phải chấp nhận vay thông thường cho các tiểu dự án tỉnh đề xuất vì nguồn tài trợ không hoàn lại đã được cam kết tài trợ cho 5 tỉnh trước đó là: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Đồng thời cam kết đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị và trình đề xuất dự án, báo cáo chủ trương đầu tư để bắt kịp với 5 tỉnh nói trên. Thành lập một tổ xây dựng dự án có đầy đủ khả năng chuyên môn và tài chính để cùng tham gia thiết kế dự án cùng ADB.
Nếu một trong các điều kiện trên không đảm bảo thì tỉnh sẽ không được tham gia vào dự án này.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hơn 150.000 bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nghèo. Trong 10 năm qua (2008 - 2017), bà con chịu nhiều thiệt hại về thiên tai nhất trong cả nước do tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc đề nghị cho phép tỉnh tham gia dự án CRIEM để có điều kiện đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông và một số công trình an sinh xã hội khác tại khu vực miền núi, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số định cư, sinh sống tại các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh.
Tại buổi làm việc, Quảng Trị cũng đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù để hỗ trợ toàn bộ phần vốn vay đối ứng từ ngân sách địa phương và giảm tỉ lệ vay lại vốn vay ODA của Chính phủ từ 30% xuống còn 10% nhằm đáp ứng điều kiện tham gia dự án.
CAO TIẾN