Toàn tỉnh Quảng Trị có 32 cơ sở chế biến tinh dầu, dược liệu có quy mô lớn, ngoài ra còn có nhiều cơ sở sản xuất chế biến quy mô hộ gia đình sản xuất theo mùa vụ với nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến khoảng 6.000 tấn/năm. Thời gian qua, cây dược liệu đã và đang mở hướng đi mới giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Huyện Cam Lộ là một vùng bán sơn địa, với nhiều gò đồi. Thay vì để đất trống, đồi trọc hoang hóa thì trong những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật và tận dụng điều kiện thổ nhưỡng để phát triển trồng cây dược liệu.
Là một trong những người tiên phong trồng dược liệu, bà Lê Hồng Nhạn (thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ), cho biết: gia đình đã mạnh dạn cải tạo hơn 5ha đất đồi kém hiệu quả sang trồng cà gai leo. Nhờ trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ nên đạt hiệu quả cao, mỗi hécta đạt hơn 12 tấn nguyên liệu tươi, đem lại doanh thu hàng năm khoảng 2,5 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật và tận dụng điều kiện thổ nhưỡng để phát triển trồng cây dược liệu.
Xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, huyện Cam Lộ đã hỗ trợ, vận động người dân trồng tại một số xã trên địa bàn, dần hình thành các vùng dược liệu tập trung, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế.
Huyện đang từng bước mở rộng các mô hình trồng dược liệu hữu cơ như chè vằng, cà gai leo, an xoa… Toàn huyện đã có trên 100ha dược liệu các loại, phấn đấu đến năm 2025, quy hoạch vùng chuyên canh cây dược liệu với diện tích 500ha.
Các mô hình trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định đời sống người nông dân.
Tuy nhiên, việc trồng và mở rộng các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ; các vùng sản xuất dược liệu mang tính hàng hóa tập trung ít, thiếu liên kết bền vững trong sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Trị đang xây dựng "Đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022- 2026, định hướng đến 2030".
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng vùng, Quảng Trị định hình các vùng tập trung dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái như: vùng cát tập trung phát triển các loại dược liệu lấy tinh dầu (cây tràm); vùng đồi núi trung du (Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong...) tập trung phát triển cây sả, nghệ, chè vằng, cà gai leo, dây thìa canh, quế, an xoa; vùng núi cao, dưới tán rừng tự nhiên tập trung trồng sâm cau, đẳng sâm, lá khôi...
Nhiểu hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu. Ảnh: Minh họa
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương, hiện đơn vị đang tham vấn kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu trong 10 năm tới và tổ chức xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh cho tiến hành điều tra, đánh giá, quy hoạch một số vùng rừng tự nhiên sản xuất, phòng hộ có khả năng trồng bổ sung dược liệu để thực hiện thí điểm "Đề án thuê môi trường rừng trồng dược liệu nhằm tăng thêm nguồn thu cho người dân sống gần rừng". Mặt khác, đề xuất ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp chế biến dược liệu theo quy chuẩn nhằm hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
NGUYỄN HOÀNG