Quảng Trị hiện nay đang đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”. Kết quả, qua 5 năm triển khai đại trà các mô hình học tập cộng đồng đã có: Mô hình “Gia đình học tập”, tổng số gia đình 167.687, đăng ký 139.605, số gia đình được công nhận 122.151, đạt tỷ lệ 72,84%; Mô hình “Dòng họ học tập”, tổng số dòng họ 2.080, đăng ký 1.682, số dòng họ được công nhận 1.419, đạt tỷ lệ 68,22%; Mô hình “Cộng đồng học tập” cấp cơ sở (thôn, xóm, bản, ấp, khóm…), tổng số cộng đồng 1.103, đăng ký 1.014, số cộng đồng được công nhận 939, đạt tỷ lệ 85,13%; Mô hình “Đơn vị học tập” cấp cơ sở do chính quyền cấp xã quản lý, tổng số đơn vị 819, đăng ký 801, công nhận 712, đạt tỷ lệ 86,93%.
Trong quá trình triển khai các mô hình học tập, Hội Khuyến học tỉnh xác định trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương cũng góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức cho người dân về học tập suốt đời, xây dựng học tập về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, về kiến thức để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, xóa đói giảm nghèo… nên đã phối hợp cùng ngành giáo dục nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.
Năm 2020, toàn tỉnh có 141 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, 768 trung tâm học tập công đồng học tập thôn bản; trong đó có 31 trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với nhà văn hóa, bưu điện xã, 63 trung tâm học tập cộng đồng có trụ sở riêng, 101 trung tâm học tập cộng đồng có tủ sách riêng, có 282 cán bộ quản lý, 66 giáo viên biệt phái, 60 cộng tác viên làm việc tại các trung tâm học tập cộng đồng. Hàng năm UBND tỉnh cấp kinh phí hoạt động cho mỗi trung tâm học tập cộng đồng là 50 triệu đồng/năm. Riêng các trung tâm học tập cộng đồng tại thành phố Đông Hà được cấp 60 triệu đồng /năm. Hỗ trợ phụ cấp cho Giám đốc trung tâm học tập cộng đồng là 0,2 và Phó Giám đốc điều hành là 0.15.
Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đã tạo ra một bước chuyển mới trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục người lớn và lợi ích thiết thực của việc học tập do người lớn thực hiện như công chức, viên chức học vì công việc, người lao động học để có nghề và sống được bằng nghề đã học… Từ phong trào xây dựng các mô hình học tập với nội dung, tiêu chí cụ thể đã có tác động mạnh mẽ đến việc học tập thường xuyên trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng góp phần giữ vững phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập Trung học cơ sở vững chắc và thực hiện phổ cập bậc Trung học. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào xây dựng gia đình, làng bản, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng xã hội học tập, do vậy chưa chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để tìm ra những giải pháp, những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Một số Phòng GD&ĐT còn chưa chủ động phối hợp, hỗ trợ Hội khuyến học trong quá trình tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận, xếp loại 4 mô hình học tập và mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã; Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập còn chưa thực sự nắm chắc quy trình tổ chức đánh giá, cách thức thu thập, tập hợp minh chứng và cho điểm cụ thể từng tiêu chí do đó việc đánh giá, xếp loại, công nhận ở một số xã còn gặp khó khăn, một số ngành chưa thực sự vào cuộc. Việc đánh giá công nhận đạt danh hiệu các mô hình học tập ở một số đơn vị chưa thật chính xác, công tác triển khai còn sơ sài, hồ sơ không đầy đủ, thiếu cụ thể, triển khai chậm, khoán trắng cho Hội khuyến học. Đội ngũ cán bộ khuyến học cơ sở phần lớn là kiêm nhiệm nên hạn chế về mặt thời gian hơn nữa kinh phí không có, cán bộ khuyến học cơ sở không có phụ cấp nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ. Công tác phối hợp các lực lượng thiếu chặt chẽ, thường xuyên, vì vậy hội khuyến học gặp khó khăn trong công tác theo dõi, tổng hợp tình hình.
Công tác thông tin hai chiều nhất là từ cơ sở lên chưa kịp thời, một số đơn vị chưa thực hiện tốt chế độ báo cáo, không cập nhật thông tin, không bám sát văn bản hướng dẫn của Hội khuyến học các cấp. Cán bộ khuyến học từ tỉnh và huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn thường xuyên có biến động nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại, công nhận các mô hình học tập.
Để mở rộng và phát triển hơn nữa phong trào khuyến học, khuyến tài, hướng tới một xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tạo cơ hội và điều kiện để mọi người dân được tiếp cận với giáo dục, thực hiện học tập suốt đời trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ. Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các Đề án của Chính phủ và các văn bản của địa phương liên quan đến học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Với vai trò nòng cốt, Hội Khuyến học các cấp cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đưa nội dung về xây dựng xã hội học tập và xây dựng mô hình “Công dân học tập” vào nghị quyết của cấp ủy và kế hoạch công tác của chính quyền các cấp, đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân.
Hội Khuyến học và ngành giáo dục đồng cấp chủ động trong việc phối hợp với Uỷ ban Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, trường học… để tổ chức triển khai quán triệt các văn bản của Trung ương và địa phương liên quan đến học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030 cho cán bộ hội viên, người lao động và cộng đồng dân cư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức đối với việc triển khai xây dựng mô hình công dân học tập góp phần xây dựng cả tỉnh, cả nước trở thành xã hội học tập. Các cấp Hội góp phần cùng ngành giáo dục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các lĩnh vực tư tưởng, an ninh, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và triển khai xây dựng mô hình công dân học tập trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với 3 năng lực cốt lõi (Năng lực tự học, học tập suốt đời; Năng lực sử dụng những công cụ tương tác; Năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội) phù hợp với thực tế của địa phương.
Phát huy kết quả đã đạt được của các mô hình học tập trong 5 năm qua, xây dựng lộ trình triển khai mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” cấp tỉnh góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Đồng thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiến tới xây dựng tỉnh Quảng Trị thành tỉnh học tập, xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện để mọi người dân được tiếp cận với giáo dục, thực hiện học tập suốt đời, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học và cũng là nội dung cốt lõi của xã hội học tập mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng. Nguyễn Quốc Thanh