Quảng Trị: đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” 

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng bằng tình cảm cách mạng và trách nhiệm đã dành tâm lực để làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; chăm sóc người có công với cách mạng; xem đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện và phát huy đạo lý truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây".

75 năm qua, đặc biệt sau hơn 30 năm lập lại tỉnh, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công cách mạng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công của Đảng, Nhà nước và ban hành các chính sách của địa phương. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền, đài liệt sĩ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chăm lo. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi dần được nâng lên. Đến nay, hầu hết những người có công và thân nhân, con em người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. Các tổ chức, đoàn thể xã hội đã tham gia tích cực trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ thương binh, người có công phát triển sản xuất; đặc biệt đã phát huy được sức mạnh và sự tham gia của toàn xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình Liệt sĩ và người có công.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị cơ bản hoàn thành công tác giải quyết các chính sách tồn đọng. Hàng chục ngàn người có công đã được xác nhận và giải quyết quyền lợi đúng quy định của Nhà nước. Toàn tỉnh hiện có gần 140.000 người thuộc đối tượng chính sách đã được xác nhận, trong đó: 19.173 liệt sỹ, 12.125 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 2.833 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 77.400 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, 14.631 người có công, 4.533 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học và hàng chục ngàn người có công với cách mạng được giải quyết trợ cấp ưu đãi. Hàng năm tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp cho hơn 20.964 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng, với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng.

Quảng Trị là một trong những địa phương đã thực hiện tốt cuộc vận động đón thương binh nặng về chăm sóc tại địa phương. Theo đó, tỉnh đã có chính sách nhằm tạo điều kiện để gia đình thương binh nặng sớm ổn định cuộc sống như: Giao đất ở tại những vị trí thuận tiện cho sản xuất - kinh doanh hoặc có việc làm phù hợp. Những trường hợp thân nhân của liệt sĩ neo đơn, thương binh có hoàn cảnh khó khăn đều được nhận đỡ đầu, giúp đỡ, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Các đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, góp phần ổn định cuộc sống. Mỗi năm có trên 7.680 lượt người có công được điều dưỡng, trong đó điều dưỡng tập trung gần 1.000 lượt người. Cùng với đó, tỉnh và các địa phương đã tổ chức cho nhiều đoàn người có công ra thăm thủ đô Hà Nội, viếng lăng Bác, thăm các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử của đất nước. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức thăm khám sức khoẻ, cấp thuốc điều trị chữa bệnh cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh...

 Một trong những hoạt động biểu hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước, ơn sâu nghĩa nặng, thủy chung, tình làng nghĩa xóm của cộng đồng, của Nhân dân đối với người có công, đó là phong trào xây dựng “Nhà tình nghĩa” ở Quảng Trị. Phong trào này đã được đẩy mạnh và đã trở thành một hoạt động chính trị - xã hội mang tính xã hội hóa cao. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã huy động hơn 102 tỷ đồng; đã hỗ trợ xây mới 1.557 nhà ở và sửa chữa 416 nhà ở cho gia đình người có công.

Chương trình nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc. Toàn tỉnh có 2.833 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” . Ngoài hỗ trợ xây dựng hoặc nâng cấp, sửa chữa nhà tình nghĩa tỉnh Quảng Trị đã vận động phụng dưỡng 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; mức phụng dưỡng bình quân 1.200.000 đồng/bà mẹ/tháng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các và cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tặng 5.578 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng trị giá trên 1,340 tỷ đồng.

Về công tác chăm sóc các Nghĩa trang Liệt sỹ. Quảng Trị có 72 nghĩa trang Liệt sỹ, trong đó có 02 nghĩa trang cấp quốc gia (Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9) với gần 60.000 mộ Liệt sỹ là con em của 52 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với nghĩa cử “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị”, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tâm niệm phải có trách nhiệm hơn nữa với con em các tỉnh, thành cả nước đang yên nghỉ tại quê hương mình, góp phần làm yên lòng cho gia đình các thân nhân Liệt sĩ. Cùng với ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị đã huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, tôn tạo các nghĩa trang thêm tôn nghiêm, sạch sẽ. Chỉ tính từ năm 2012 - 2020, tỉnh đã đầu tư gần 212 tỷ đồng cho công tác mộ, nghĩa trang Liệt sĩ, trong đó: Nguồn vốn chung tay chăm sóc nghĩa trang do các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ và từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” là 100,850 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Trị là địa phương duy nhất trong cả nước có mô hình Trung tâm đón tiếp thân nhân Liệt sĩ. Hàng năm, Trung tâm đã đón tiếp chu đáo hàng nghìn lượt thân nhân Liệt sĩ đến thăm viếng phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang. Các ngày lễ, tết cán bộ và Nhân dân đều đến dâng hoa, dâng hương tại phần mộ các Liệt sĩ ở các nghĩa trang. Ngày thường các thế hệ thanh niên, học sinh ở các trường học cùng nhiều người dân ở khắp các địa phương trong tỉnh tự nguyện đến chăm sóc, làm vệ sinh và dâng hương, dâng hoa tại các nghĩa trang Liệt sĩ với lòng thành kính, tri ân.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sỹ luôn được đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị quân đội có cán bộ, chiến sĩ chiến đấu hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ tại Lào và chiến trường Quảng Trị; phát động toàn dân, toàn quân cung cấp thông tin, tìm kiếm, xác định các vị trí chôn cất liệt sỹ trên địa bàn tỉnh và trên đất nước bạn Lào để tiến hành cất bốc, quy tập về các nghĩa trang Liệt sỹ và thực hiện tốt công tác chăm sóc. Từ năm 2012  - 2020, đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 741 mộ Liệt sĩ, trong đó quy tập từ nước bạn Lào 180 mộ, trong tỉnh là 561 mộ.

Hàng năm, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều lễ hội, hoạt động tri ân, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ như: Lễ hội “Thống nhất non sông”; Lễ hội “Tri ân tháng 7”; Lễ hội “Đêm hoa đăng” thả hoa đăng tưởng niệm Liệt sỹ trên dòng sông Thạch Hãn, đã thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và Nhân dân cả nước đến tưởng niệm, ôn lại truyền thống yêu nước, tri ân sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước; cầu mong cho đất nước luôn thái bình, phát triển và thịnh vượng; qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm các thế hệ đời sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn tỉnh có 123/125 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, đạt 98,4% so với tổng số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. 100% gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú…

Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, các hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa", chăm sóc người có công của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương; mặc dù trong điều kiện còn hết sức khó khăn, bằng ý chí, nghị lực của mình, nhiều thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, học tập, công tác, không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình mình mà còn tiếp tục có những cống hiến, đóng góp cho quê hương, đất nước, tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp và nêu gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

Để phát huy những kết quả đạt được trong 75 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cần quán triệt sâu sắc, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công và các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Biểu dương, khen thưởng những tấm gương tiêu biểu của tập thể và cá nhân trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ gương mẫu vượt khó, vươn lên tạo dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

 Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ người có công. Đặc biệt, cần coi trọng việc động viên, phát triển sâu rộng các phong trào, hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở cơ sở,  cộng đồng dân cư với các hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả. Phát triển mạnh việc xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp trong cả nước. Cần coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác vận động toàn dân, vận động các cơ quan, đơn vị chăm lo xây dựng phong trào cơ sở để có nhiều xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ. Các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân cần quan tâm đến việc bồi dưỡng, sắp xếp việc làm, tạo chỗ làm việc mới, tạo điều kiện tốt nuôi dưỡng thương binh, con liệt sĩ mồ côi, bố mẹ liệt sĩ già yếu không nơi nương tựa, tạo điều kiện để người có công phát huy được năng lực, sở trường của mình tham gia sản xuất - kinh doanh và các hoạt động xã hội khác vừa lợi nhà, vừa ích nước.

 Đổi mới công tác chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ con em của người có công với cách mạng, có chính sách bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho con của liệt sĩ, anh hùng, thương binh, bệnh binh được học tập, làm việc, tham gia tốt các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để trở thành lực lượng nòng cốt đóng góp có hiệu quả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Vận động khuyến khích toàn dân, các tổ chức, cá nhân tình nguyện giúp đỡ, kèm cặp, đào tạo nghề cho các học sinh, sinh viên thuộc diện đối tượng chính sách ưu đãi.

 Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chế độ ưu đãi người có công, hoàn thành công tác xác nhận người có công trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến trên cơ sở công khai, dân chủ, chống phiền hà, sách nhiễu, kiên quyết xử lý kịp thời những vụ việc sai phạm. Khẩn trương tiến hành việc khảo sát, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, tu sửa, nâng cấp, xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ, đặc biệt là các phần mộ liệt sĩ và bia ghi tên liệt sĩ ở xã, phường.

Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân, là dịp để chúng ta tự hào về các thế hệ cha anh, bồi đắp tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay và cũng là để mỗi người dân cùng quyết tâm xây dựng một tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025, đến năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.  Lệ Thu

 

 

 

1104 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1116
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1116
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87419711