Những dinh miếu của làng Tây Trì được xây dựng từ lâu
Báo Tài nguyên & Môi trường vừa nhận được phản ánh của đông đảo người dân làng Tây Trì (khu phố 3, phường 1, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) về việc hộ dân Nguyễn Trung Lũy (khu phố 3) lấn chiếm đất của dinh miếu làng Tây Trì.
Theo con cháu trong làng, đất tín ngưỡng thuộc làng Tây Trì được khai hoang, hình thành cách đây đã hơn 500 năm, diện tích hàng nghìn m2 và các dinh miếu được các bậc cha ông tu sửa nhiều lần bởi chiến tranh tàn phá, nay đã dùng thép gai rào lại xung quanh.
“Từ khi tôi sinh ra đã có các dinh miếu của làng; cụ thể nay là 5 cái. Chúng được xây từ đời thứ 2 và dinh miếu đầu tiên nay khoảng 450 năm rồi. Ông bà, cha mẹ luôn đến để hương khói. Hàng năm làng đều có ngày thờ cúng, giỗ cho ngài tiền khai khẩn (người lập nên làng)...”- ông Nguyễn Tăng Trì (84 tuổi, nguyên trưởng làng từ trước năm 2015) chia sẻ.
Khi mọi chuyện đang yên đang lành, vào năm 2015, gia đình ông Nguyễn Trung Lũy, cụ thể là con ông Lũy lấn chiếm đất tín ngưỡng của làng khi xây tường rào phục vụ chăn nuôi, diện tích khoảng gần 200m2. Việc xây dựng đã khiến đường đi vào các dinh miếu bị chặn lại, mặt khác tường rào đã bao che trước mặt dinh của miếu thờ Ngài tiền làng Tây Trì gây nên bức xúc cho con cháu...
Hộ dân Nguyễn Trung Lũy xây tường rào phía trước đất tín ngưỡng của làng Tây Trì, gây bức xúc cho con cháu trong làng
Ông Nguyễn Tăng Tín (35 tuổi, đời thứ 16 của làng) cho hay, việc hộ ông Lũy xây tường rào khiến con cháu muốn vào được các dinh miếu phải đi đường vòng lâu hơn. Trong khi đó, cả làng không chấp nhận trước mặt dinh của Ngài tiền khai lại có xây dựng công trình gây cản trở như vậy. Nếu để lâu dài lở chăn nuôi lớn gây ô nhiễm thì ô uế lắm. Ngoài ra một số hộ dân được cấp đất sai quy định, lấn chiếm thêm đất làng...
“Có cả hộ khác xây chuồng heo phóng uế cạnh các dinh miếu nữa. Chúng tôi muốn tôn tạo nơi thờ tự các ngài nhằm duy trì dòng tộc, vì vậy mong muốn lấy lại những diện tích đất thuộc về tâm linh. Dự kiến, khi lấy lại được đất, mặt trước của các dinh miếu sẽ hình thành một phong thủy như miền Bắc là cây đa - bến nước - sân đình. Về sau con cháu sẽ biết được lịch sử nguồn cội của làng...”- ông Tín nói.
Cũng theo con cháu trong làng, họ đã đến nhà ông Lũy để tìm cách giải hòa, thương lượng bằng tình cảm nhiều lần nhưng hộ ông Lũy không chấp nhận.
“Sự việc đã được UBND phường 1 tiếp nhận, hứa xử lý trước Tết, trả lại mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Tại sao lại không làm cho con cháu làng Tây Trì. Trong khi đó ông Lũy cũng là con cháu trong làng nên chúng tôi muốn giải quyết ổn thỏa, nhưng đến nước này thì...”- ông Nguyễn Tăng Lực (SN 1972) tiếp lời trong sự tức tối.
Được biết, một phần diện tích đất của làng nay được giao cho một số người của dòng họ quản lý để phát triển sản xuất như trồng cây, chăn nuôi; phần thu nhập sẽ hỗ trợ ít nhiều vào công quỹ của làng...
Người dân mong muốn chính quyền giải quyết sự việc một cách thỏa đáng...
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Hoàng Trọng Quang - Chủ tịch UBND phường 1 (TP. Đông Hà) xác nhận, sự việc trên là có và chính quyền đã báo cáo cấp trên, cố gắng giải quyết một cách sớm nhất.
Theo ông Quang, làng Tây Trì trước đây rất lớn, sau này nhiều người về ở và được cấp sổ đỏ. Những diện tích nào chưa giao thì nhà nước quản lý. Đất của làng khoảng 1.000m2 và vẫn chưa có sổ đỏ, diện tích còn lại thuộc về nhà nước. Qua kiểm tra, thì ông Lũy được làng cho chăn nuôi và có xây dựng hàng rào lấn chiếm. Phường đã yêu cầu làng dừng việc cho con cháu sử dụng đất để sản xuất. Bây giờ hộ ông Lũy cũng đã cam kết thảo dở phần tường rào.Tuy nhiên, do ông Tín cũng có sản xuất trên đất làng nên ông Lũy cũng đòi ông Tín phải trả lại đất để đảm bảo tính công bằng...
“Phường tiến hành giải quyết chậm là vì để cho người dân trong làng tự giải quyết êm xuôi, tránh việc cưỡng chế. Bây giờ chúng tôi chờ làng thống nhất dừng việc cho con cháu sản xuất và sau đó, sẽ thống nhất thời gian để tiến hành thực hiện việc tháo dở cùng một thời điểm đối với hai hộ ông Lũy và ông Tín...”- ông Quang thông tin.
Ở một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Tăng Tín cho biết: “Mục đích tôi trồng cây là để giữ đất cho làng và tôi cũng không phải vì lợi nhuận gì. Tôi hứa sẽ di chuyển cây, trả lại đất, tuân thủ theo quy định pháp luật”.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...