Theo UBND huyện Cam Lộ, đến cuối tháng 3/2019, có 8/8 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM. Đối với tiêu chí huyện NTM, Cam Lộ đã đạt được 4/9 tiêu chí gồm: Điện, sản xuất, an ninh trật tự và chỉ đạo xây dựng NTM. Có 5 tiêu chí huyện chưa đạt được gồm: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi; y tế, văn hóa và giáo dục; môi trường.
Huyện Cam Lộ có thế mạnh về phát triển nông nghiệp; trong đó có nhiều cây, con đặc sản như dược liệu, hồ tiêu, gà... Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Cam Lộ đã tập trung khai thác thế mạnh này, thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với xây dựng thương hiệu. Điển hình là việc xây dựng, phát triển thương hiệu đặc sản “Gà Cùa”, vốn nổi tiếng là ngon, sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, do được nuôi thả tự nhiên. Vì vậy, loại gà này rất được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao từ 100.000 - 110.000 đồng/kg.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ, địa phương tập trung hỗ trợ người dân ở các xã: Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, xây dựng thương hiệu “Gà Cùa”, tập huấn kỹ thuật về nuôi gà… nhằm nâng cao giá trị. Đến nay, huyện Cam Lộ có 6 sản phẩm có giá trị cao tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gồm: Tinh bột sắn dây, gà Cùa, ổi Tân Trúc, gạo sạch Cam An, hồ tiêu, miến gạo. Việc phát triển các thế mạnh của địa phương, đã góp phần rất quan trọng nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, qua đó tạo động lực trong xây dựng NTM. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 36 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 4% theo chuẩn đa chiều.
Để đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020, huyện Cam Lộ cần đầu tư khoảng 78 tỷ đồng. Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ huyện Cam Lộ gần 34 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM; trong đó tập trung hoàn thành quy hoạch, đường giao thông, trường học, trung tâm văn hóa.
Năm 2019, huyện Cam Lộ chọn chủ đề là “Năm nông thôn mới”; đồng thời đa dạng hóa huy động nguồn vốn và lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng NTM…
Nguyên Lý