Huyện Cam Lộ có trên 20 nghìn lao động trực tiếp làm việc trong khu vực nông thôn. Thời gian qua, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất; tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân.
Bên cạnh thực hiện các chính sách Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), huyện Cam Lộ còn ban hành Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động trực tiếp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.
|
Nghề trồng và chăm sóc cây cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Cam Lộ. (Ảnh: N.T.H) |
Hằng năm, UBND huyện Cam Lộ chỉ đạo các ban, ngành liên quan và các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sát hạch cấp chứng chỉ nghề để tổng hợp, triển khai đào tạo bảo đảm phù hợp với nhu cầu của người học, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp tại địa phương.
Lao động nông thôn học nghề ngoài được hỗ trợ chi phí học nghề, tiền ăn theo quy định Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, còn được UBND huyện hỗ trợ chi phí nước uống, khen thưởng khi đạt thành tích tốt trong học tập; được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; được hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình hỗ trợ khác của các tổ chức chính trị - xã hội.
Giai đoạn 2010 - 2020, toàn huyện đào tạo nghề cho 5.779 lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp 3.800 học viên. Tổng kinh phí đào tạo nghề thực hiện gần gần 5,9 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 5,2 tỉ đồng; ngân sách địa phương gần 700 triệu đồng.
Tỉ lệ lao động nông thôn học nghề xong có việc làm mới hoặc làm nghề cũ có thu nhập cao hơn giai đoạn 2010 - 2020 đạt 80%, trong đó giai đoạn 2018 - 2020 đạt trên 90%. Từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn đào tạo nghề thực hiện từ đề án của huyện với tổng kinh phí 200 triệu đồng, số lao động nông thôn được học nghề 160 học viên, trong đó nghề nông nghiệp 75 học viên, nghề phi nông nghiệp 85 học viên.
Công tác đào tạo nghề cho lao động trực tiếp đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực. Huyện Cam Lộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề, vừa đào tạo nghề vừa giải quyết việc làm, thu hút lao động.
Chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với việc đáp ứng nhu cầu tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP).
Nhiều mô hình đào tạo nghề triển khai hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người lao động như: Mô hình chăn nuôi gà thả vườn; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, cây lạc, cây dược liệu…, gắn với thương hiệu đặc sản địa phương như gà Cùa, hồ tiêu, tinh dầu lạc, cao dược liệu. Đặc biệt, kết quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã làm cho nhiều người dân, phụ huynh, học sinh dần thay đổi nhận thức về học nghề, chủ động tham gia học tập, áp dụng kiến thức vào sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Lực lượng dự nguồn lao động của huyện ngày càng có xu hướng lựa chọn học nghề thay vì học đại học, cao đẳng, góp phần giảm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, tăng khả năng tìm kiếm việc làm cho người lao động trong tương lai. Theo đó, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động trực tiếp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội được địa phương quan tâm.
Thời gian tới, huyện Cam Lộ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đào tạo nghề; đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; vận động thanh niên tích cực học nghề để tìm việc làm, tạo việc làm, xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp- công nghiệp có thế mạnh của địa phương.
|
Huyện Cam Lộ phấn đấu năm 2022 đào tạo nghề cho 500 - 550 lao động; bồi dưỡng, sát hạch cấp chứng chỉ nghề cho 700 lao động đã học nghề, có tay nghề chưa được cấp chứng chỉ. (Ảnh: TL) |
Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển, nhất là đưa doanh nghiệp về nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động học nghề khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động.
Phấn đấu năm 2022 đào tạo nghề cho 500 - 550 lao động; bồi dưỡng, sát hạch cấp chứng chỉ nghề cho 700 lao động đã học nghề, có tay nghề chưa được cấp chứng chỉ; đào tạo, bồi dưỡng cho 200 lao động về kỹ năng tổ chức liên kết sản xuất, dịch vụ marketing hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương.
Như vậy có thể thấy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động trực tiếp và thay đổi hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp có thế mạnh của địa phương là hướng đi đột phá để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu huyện Cam Lộ có bản sắc riêng. Từ đó nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng nông thôn thành những “miền quê đáng sống”./.