Biển Việt dường như mênh mang hơn, dào dạt hơn khi Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ ra đời. Ôi mênh mông sóng xô xô thuyền ta xa bờ. Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ. Thuyền ra xa khơi đưa nhịp chèo nối liền. Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền...
Có người con gái quê ở làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh) hát rất hay bài này, chị là Tân Nhân. Giọng nữ cao, trong veo và da diết. Bài hát ấy như sinh ra để dành cho chị. Hát trong ngày đất nước còn chiến tranh, Bến Hải hóa thành con sông giới tuyến. Biết rằng, Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Tận chân trời mây núi có chia đâu như thi sĩ Tế Hanh đã thổ lộ trong thơ mà vẫn nao lòng, xa xót, âu lo. Xa khơi như một thông điệp hòa bình được cất lên từ nửa thế kỷ trước.
Nỗi “ngày Bắc đêm Nam” giờ đây chỉ còn là hồi ức của dân tộc nhưng khi nhắc tới biết bao người còn bâng khuâng. Nỗi buồn thăm thẳm và khát vọng mênh mang. Xa khơi, đâu chỉ là một bản tình ca mà đó là khúc nguyện hòa bình có sức sống lâu bền. Bắt đầu từ Quảng Trị. Tại sao tôi lại nói vậy, mặc dầu nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bắt đầu động bút viết Xa khơi ở Hòa Bình. Bởi vì, ý tưởng viết một ca khúc mang tầm vóc biển cả bao la nhưng thẳm sâu trong ấy vẫn là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc đời từ chuyến đi thực tế của ông ở Vĩnh Linh, Quảng Trị vào năm 1958.
Sông đã lành. Vẫn thổn thức đến vậy. Tôi nhớ, mẹ mang nhịp cầu ở vĩ tuyến 17 về cho tôi từ lời ca và giai điệu lắng buồn. Như một khúc ru, một điệu hò vắt qua nắng gió miền Trung. Bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp tôi nghe từ hồi chưa vào lớp 1. Hò ơ...dù cho bến cách sông ngăn. Dễ gì chặn được duyên anh với nàng. Rẽ mây cho sáng trăng vàng.
Khai sông nối bến cho nàng về anh. Lúc đó, tôi chưa hiểu được ý nghĩa của bài hát càng chưa thấm chạm nỗi đau “bến cách sông ngăn” nhưng hình như cũng đã buồn lây bởi lời ca của mẹ từ chiếc võng đay kẽo kẹt đu đưa trong ngôi nhà tranh ở bên cửa biển.
Cũng như Xa khơi, Câu hò bên bờ Hiền Lương góp vào hành trang cuộc đời tôi những giai điệu đẹp. Càng ngày tôi càng thấm thía, không thể nói khác được, khát vọng bình yên và đoàn tụ chẳng của riêng ai, chẳng của bên tham chiến nào cả. Nó là giai điệu hòa bình của dân tộc đã cất lên từ đây, mảnh đất Quảng Trị yêu thương và đau thương này.
Chứng tích chiến tranh (bức tường Trường Bồ Đề, thị xã Quảng Trị -Ảnh: N.K
Cỏ cũng đã mùa xuân. Như cố vá lành những nham nhở, đổ vỡ, hoang tàn, tan chảy trong một mùa hè nóng bỏng nhất. Cỏ đầm sương ướt át khi tôi đang bước đi trong đêm Thành Cổ Quảng Trị. Mùi hương ngan ngát gần xa và mờ tỏ những rì rầm đâu đó. Bao nhiêu thanh xuân đang còn nằm dưới tơ non xanh biếc. Mỗi thanh xuân là một cuộc đời đã từng vui buồn, sướng khổ, bi quan, hy vọng. Bây giờ họ đã hôm qua, là phần ta đang tưởng niệm. Đang âm thầm trôi dưới cỏ, “Những người lính lặng im tan vào đất, là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông”.
Hai câu thơ ấy của tôi đã được nhạc sĩ Võ Thế Hùng làm chủ đề cho ca khúc nổi tiếng “Dòng sông hoa lửa” của anh. Nơi cuộc chiến từng diễn ra khốc liệt nhất sự hồi sinh vô cùng mãnh liệt. Thị xã Quảng Trị là một minh chứng về sức sống Việt Nam sau chiến tranh. Hận thù sẽ phá nát, thiêu rụi tất cả. Chỉ có hòa bình, hòa hợp mới tạo dựng được cuộc sống mới yên lành đầy thương yêu và chia sẻ. Thông điệp ấy, vang vọng từ mảnh đất này- Quảng Trị đầy sinh động và rất thuyết phục sự hồi sinh vĩ đại ấy. Cuộc sống đang diễn ra vô cùng tươi đẹp dưới đôi cánh hòa bình.
Tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi biết rằng Quảng Trị, mảnh đất không rộng, người không đông, kinh tế đang ở ngưỡng trung bình của Việt Nam, khí hậu khắc nghiệt, luôn xảy ra thiên tai lại là nơi có nhiều nghĩa trang liệt sĩ hơn cả ở nước ta. Bảy mươi hai nghĩa trang liệt sĩ trong đó có hai địa chỉ được xếp hạng quốc gia là nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9.
Chẳng ai mong, chẳng ai tự hào về điều ấy cả. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, mảnh đất nào cũng có phần gánh vác của nó. Quảng Trị đã từng gánh vác khốc liệt và đau thương của một cuộc chiến kéo dài hai mươi mốt năm bởi vị trí “tuyến đầu”. Cả hai phía ta và địch đều nhận thức được tầm quan trọng của mảnh đất hẹp nóng như rang bởi mùa gió phơn quái ác và sự dầm dề dai dẳng đến dễ nổi cáu của mùa mưa nơi này vì nó là chỗ tiếp giáp giữa hai chế độ.
Cuộc đối đầu kết thúc cách đây năm mươi năm, non sông thanh bình đã liền một dải nhưng Quảng Trị cũng đã trở thành bảo tàng chiến tranh chứa đủ mọi sắc thái, cung bậc, vật thể, phi vật thể trái ngược nhau. Tự hào và đau thương. Chiến tích và hậu quả. Cái hiển hiện, cái vô hình. Có cái ẩn rất sâu trong mỗi giọt hồng cầu những chiến binh hay chỉ là thường dân.
Trong nguồn nước, mạch đất cũng còn dấu tích chiến tranh. Trong cái bình thường nhất của cuộc sống lại có cái bất thường. Vì thế, không có con đường nào khác ta phải lấy yêu thương bao dung làm nền tảng cuộc sống.
Mà muốn có nó trước hết phải biết gìn giữ hòa bình, gìn giữ giá trị nhân văn cao đẹp nhất của loài người, của mỗi dân tộc. Một dân tộc, một quê hương chịu nhiều đau thương bởi chiến tranh không thể không yêu hòa bình.
Tổ chức lễ tưởng niệm và thả hoa trên dòng Thạch Hãn -Ảnh: N.K
Hòa bình, tôi nghe tiếng gọi ấy từ hàng nghìn nấm mộ chiến tranh, ở ngay chính nơi tôi đang sống và viết. Trong sự giao hòa cảm động của hai thế giới, một nửa là tâm linh, một nửa là đời thực ta nghe rõ dòng chung chấp chới ánh sáng hòa bình.
Từ Trường Sơn, Đường 9, Thành Cổ, Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, địa đạo Vĩnh Quang, thànhTân Sở. nhà tù Lao Bảo, Làng Vây...Ở đâu cũng đằm sâu hai tiếng hòa bình. Hòa bình là biểu tượng xứng đáng nhất của mảnh đất Quảng Trị. Vùng đất nhiều đau thương này xứng đáng để thay mặt cho dân tộc Việt Nam nói về hòa bình một cách trung thực và thiết tha nhất.
Diễn đạt như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng trả lời Chi hội nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị trong sách “Khát vọng hòa bình” số 1 thì: “Loài người đang sống trong một thế giới ánh sáng và bóng tối đan xen nhau. Rất nhiều hy vọng nhưng cũng lắm lo âu. Trên “hành tinh xanh” mang tên Trái đất này, dẫu con người đã bước qua thập niên thứ ba của thế kỷ 21, hàng ngày, hàng giờ chúng ta vẫn phải chứng kiến nhiều nỗi đau thương, mất mát cùng những hậu quả không tính hết trước mắt và lâu dài về kinh tế-xã hội bởi các cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc, lãnh thổ...Nhân loại đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, hơn ai hết những người yêu chuộng hòa bình thấm thía nỗi đau, hậu quả của nó, từ đó càng thêm yêu quý, trân trọng độc lập, tự do và hòa bình. Với đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng thì có thể khẳng định rằng không có khát vọng nào lớn lao hơn, tha thiết hơn khát vọng hòa bình. Bởi lẽ, Việt Nam và Quảng Trị đã từng chịu hậu quả rất nặng nề của các cuộc chiến tranh tàn khốc. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước để giành lại độc lập tự do, hòa bình cho dân tộc và thống nhất non sông đã có hàng vạn liệt sĩ, hàng vạn thương binh, bệnh binh. Càng tự hào bao nhiêu với các chiến công kỳ tích chúng ta càng xót xa bấy nhiêu với sự mất mát tổn thất không kể xiết của dân tộc. Vì thế, lòng yêu hòa bình, quyết tâm gìn giữ hòa bình luôn nung nấu trong mỗi người dân Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng”.
Vâng, đúng như thế, Quảng Trị mãi mãi đằm sâu hai tiếng hòa bình! Tôi mong muốn, ngoài lễ hội “Vì Hòa bình” được tổ chức hai năm một lần như gặp gỡ những người yêu chuộng hòa bình trong nước và trên thế giới, Quảng Trị dựng xây được một công viên Hòa Bình (có thể tại thị xã Quảng Trị hay ở Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải). Trong công viên đó có một bức tượng Hòa Bình giản dị và đẹp như khát vọng cao cả của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
Tùy bút Nguyễn Hữu Quý