|
Hàng hóa tại Coop Mart Đông Hà - Điểm bán hàng bình ổn giá thị trường trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 tại Quảng Trị |
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu và thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, Sở Công Thương đề nghị chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động các cơ sở, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn duy trì hoạt động kinh doanh để đảm bảo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác cho người dân. Đồng thời, cung cấp thông tin rộng rãi về các doanh nghiệp được phân công dự trữ hàng hóa và bán hàng bình ổn, các doanh nghiệp phân phối mặt hàng thiết yếu quy mô, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn… nhằm đảm bảo đời sống dân sinh trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, tuyên truyền vận động người dân không nên ồ ạt mua sắm, tích trữ hàng hóa gây bất ổn thị trường, không nên tích trữ xăng dầu dễ dẫn đến cháy nổ, tuyệt đối không tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp được phân công dự trữ hàng hóa xây dựng phương án cụ thể về số lượng, chất lượng hàng hóa dự trữ, phương tiện… để kịp thời cung ứng, xử lý các điểm nóng của thị trường khi có yêu cầu. Trong đó, chú ý đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, vùng bị cách ly.
Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Kịp thời đấu tranh, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm (nhất là đối với các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang và hàng thiết yếu khác), các hành vi đầu cơ, thu gom tích trữ hàng hóa gây khan hiếm trên thị trường, các hành vi bán hàng không niêm yết giá và bán hàng không đúng giá niêm yết gây biến động thị trường.
Cũng theo Sở Công Thương, ngoài nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành công thương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm do các doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh sản xuất để vừa đảm bảo nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu vận chuyển, nhập hàng từ các tỉnh, thành phố khác về để đảm bảo nguồn hàng tại địa phương.
|
Cục QLTT Quảng Trị tăng cường kiểm tra, ký cam kết với các hộ kinh doanh không bán hàng giả, hàng nhái, bán cao hơn giá niêm yết |
Yêu cầu các cơ sở, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch tại cơ sở như thực hiện tiêu độc, khử trùng theo định kỳ, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở; các tiểu thương, nhân viên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, bán hàng… nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho cả người bán hàng và người mua hàng, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiệm bệnh.
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị - cho biết, để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới (trên địa bàn đã có 4 ca dương tính, TP. Đông Hà thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16), Sở Công Thương trình UBND tỉnh đề ra các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu để phục vụ công tác bán hàng bình ổn giá, đảm bảo ổn định thị trường đến cuối năm 2020 với tổng kinh phí là hơn 10 tỷ đồng, với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ). "Trong đó, các mặt hàng thiết yếu được dự trữ như mì ăn liền 20 ngàn thùng, gạo tẻ đóng bao 200 tấn, 15 ngàn lít nước mắm, 20 tấn đường, 20 tấn muối, 100 ngàn sản phẩm đồ hộp các loại, 100 ngàn khẩu trang kháng khuẩn, 20 ngàn chai nước sát khuẩn và 15 ngàn lít dầu thực vật", ông Hưng cho biết thêm.
6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Quảng Trị ước đạt 14.949,6 tỷ đồng, giảm 0,29% so với cùng kỳ và đạt 44,5% so với kế hoạch năm 2019 (kế hoạch 33.000 tỷ đồng). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 13.138,3 tỷ đồng, chiếm 88,1% tổng mức và tăng 2,37%; doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 1.257,8 tỷ đồng, chiếm 8,4% tổng mức và giảm 17,66%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,55 tỷ đồng, chiếm 0,024% tổng mức và giảm 79,82%; doanh thu dịch vụ đạt 519,95 tỷ đồng, chiếm 3,476% tổng mức và giảm 10,83% so với cùng kỳ năm trước.