Quảng Trị - cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông Tây 

Tỉnh Quảng Trị nằm ở phía Bắc của miền Trung được các nhà kinh tế - chính trị xem là cửa ngõ quan trọng của Hành làng kinh tế Đông Tây (EWEC) về phía Việt Nam.

Kể từ năm 2006, khi EWEC chính thức thông tuyến thì mọi hoạt động đầu tư, giao thương, giao lưu với các nước trên EWEC vào Việt Nam hết sức sôi động.  

Đô thị vàng ở Khe Sanh - Lao Bảo

Trở lại Quảng Trị lần này, dọc đường đến Lao Bảo, những tia nắng cuối thu phủ lên trên những sắc xanh thấm đậm của rừng cà phê bao mùa cho quả, khiến ai cũng có cảm giác thật dễ chịu. Khe Sanh - Lao Bảo bây giờ đã bát ngát rừng cà phê. Và đó là một phần thưởng xứng đáng của trời đất bù đắp cho biết bao nhiêu mất mát, hy sinh để tạo dựng được Khe Sanh - Lao Bảo của Quảng Trị, như hôm nay. Nhà thơ Ngô Kha trong trường ca Hòa Bình viết năm 1970 đã có mấy câu thơ dự cảm đến lạ lùng: “Ta sẽ thấy và nhất định thấy/ Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ Một thị trấn yêu kiều qua nẻo Làng Vây”.

10-57-21_qung_tri_1
Quốc môn vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Dự báo của nhà thơ Ngô Kha đã sớm trở thành hiện thực. Khe Sanh - Lao Bảo bây giờ đúng nghĩa là đô thị vàng nằm ngay trên EWEC, nối Việt Nam với các nước trên EWEC Lào - Thái Lan - Myanmar và ngược lại. Và nơi đây đang là một “trung tâm” cà phê thứ hai của miền Trung. Đến đây tôi sực nhớ, trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn từ thế kỷ 18, có đoạn: “Ra khỏi Lao Bảo thì đường bộ có thể đi khắp năm châu bốn bể”. Thế mới biết “đô thị vàng” trong câu thơ của thi sĩ - liệt sĩ Ngô Kha linh cảm và dự báo lớn như thế nào và Lao Bảo có một vị trí rất quan trọng trên EWEC. Từ đây, lâm đặc sản các nước trên hành lang về Việt Nam qua ngã Quảng Trị để xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Mới đây, lần đầu tiên đoàn ngoại trưởng các nước trong khối Asean theo EWEC vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để dự hội nghị Ngoại trưởng Asean tại Đà Nẵng, hưởng ứng cho hoạt động hội nhập của EWEC. Các ngoại trưởng tham quan Khe Sanh - Lao Bảo và nói rằng chuyến đi bằng đường bộ này là hành trình ý nghĩa và có nhiều câu chuyện thú vị về vùng đất Quảng Trị. Họ rất bất ngờ về sự phát triển vượt bậc của đô thị Khe Sanh - Lao Bảo.

Ông Trần Đoàn, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, để có được những thành tựu vượt bậc đó là nhờ Quảng Trị đã biết cách khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình một cách hiệu quả. Quảng Trị có hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam.

Đặc biệt QL9 - con đường xuyên Á nối Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar. Trong tương lai với Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy ở khu Kinh tế Đông nam Quảng Trị sẽ thu hút lượng hàng hóa lớn từ các nước trên EWEC qua cảng biển này để đi các nước trong khu vực. Với lợi thế đó, Quảng Trị có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, thương mại, du lịch, dịch vụ và hợp tác đầu tư với các tỉnh thành trong cả nước với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).

10-57-21_qung_tri_2
Vườn cà phê ngút ngàn ở Khe Sanh - Lao Bảo

Nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của mình, tranh thủ sự hợp tác đầu tư trong và ngoài nước, Quảng Trị đã sớm hình thành các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu kinh tế để có thể áp dụng một cách tối đa hiệu quả những chính sách đồng bộ, cơ chế thông thoáng dành cho các nhà đầu tư.

Ngoài thế mạnh giao lưu buôn bán sản phẩm nông nghiệp với các nước trong khu vực, một thế mạnh khác ở trên EWEC là phát triển du lịch. Không chỉ du khách của các nước EWEC, du khách châu Âu, châu Mỹ cũng đến với các địa điểm du lịch của Quảng Trị trên EWEC, đó là di tích Làng Vây, di tích sân bay Tà Cơn ở Khe Sanh, những địa danh nổi tiếng của thế giới.

Hôm ấy John Scott Joones và James Lary Whitlock, hai cựu binh Mỹ đã trở lại Khe Sanh nhấm nháp giọt cà phê Khe Sanh và tìm hiểu vùng đất này. John Scott Joones và James Lary Whitlock đã đến di tích sân bay Tà Cơn, bốc một nắm đất bỏ vào lọ nhỏ bằng thủy tinh mang về Mỹ làm kỷ niệm.

Một điều kỳ thú hơn, khi vào thăm nhà bảo tàng tại di tích sân bay Tà Cơn giữa mênh mang cà phê, John Scott Joones nhìn vào một tấm ảnh và phát hiện ra mình có trong đó, vào một ngày của Tết Mậu Thân 1968, khi John Scott Joones bị thương. John Scott Joones nói với những người dân địa phương có mặt hôm đó dẫu có cố gắng thì chúng ta cũng không thay đổi được quá khứ. Phải cùng nhau hướng tới tương lai tươi sáng và làm cho nó ngày càng đẹp hơn. John Scott Joones và James Lary Whitlock mong muốn cà phê Khe Sanh sớm xuất hiện ở thị trường Mỹ.  

Nhiều chính sách đầu tư thông thoáng

Hiện tại, tỉnh Quảng Trị đang có nhiều chính sách đầu tư thông thoáng, trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào Khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo, Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và các khu kinh tế khác trên địa bàn với nhiều lĩnh vực để khai thác và phát huy lợi thế mọi mặt của tỉnh như du lịch, thương mại buôn bán, vận tải, nông nghiệp, công nghiệp...

Ngoài ra, Quảng Trị còn có KCN Nam Đông Hà với diện tích gần 100 ha, có vị trí rất thuận lợi nằm gần Quốc lộ 1A, đường Xuyên Á và Nhà ga đường sắt Bắc Nam, sát trung tâm thành phố Đông Hà, hiện KCN này đã được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. KCN Quán Ngang với diện tích 205ha, sát Quốc lộ 1A.

10-57-21_qung_tri_3
Lãnh đạo Quảng Trị trao giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Hùng - UVTWĐ - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị khẳng định: với vị trí là cửa ngõ quan trọng của EWEC về phía Việt Nam cũng như phía Bắc của miền Trung, Quảng Trị là đầu mối để thu hút đầu tư, giao thương, giao lưu văn hóa các nước trên EWEC và các nước thứ 3 vào miền Trung Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quảng Trị là điểm kết nối giữa 3 sản phẩm du lịch EWEC - Con đường di sản miền Trung - Con đường huyền thoại, cộng với những điều kiện tự nhiên và hệ thống di tích nổi tiếng như địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị... Quảng Trị có nhiều tiềm năng để trở thành một điểm đến nổi trội thu hút du lịch của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, trong thời buổi hội nhập hôm nay, Quảng Trị không ngừng liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh miền Trung Việt Nam và các địa phương trên EWEC, các nước trong khu vực để hội nhập và hợp tác sâu rộng hơn cùng cộng đồng kinh tế Asean.

Phát triển và hội nhập

Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) là một sáng kiến được nêu ra vào năm 1998 tại Hội nghị Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Sông Mêkông mở rộng (GMS) lần thứ 8 tổ chức tại Manila, Philippines nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanmar.

Hành lang này chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006. EWEC dựa trên tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km, có cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine của nước Myanmar đi qua vùng Đông Bắc của Thái Lan qua tỉnh Savannakhet của Lào rồi vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thuộc tỉnh Quảng Trị, rồi đến Thừa Thiên-Huế và cực Đông là thành phố Đà Nẵng. EWEC qua kết nối với các trục giao thông Nam - Bắc của Việt Nam sẽ giúp các khu vực trên tiếp cận dễ dàng hơn với các trung tâm kinh tế ở phía Bắc và phía Nam như TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. EWEC còn mở đường ra biển cho các khu vực trên, cung cấp hải sản cho họ và giúp họ đem các sản phẩm nông - lâm nghiệp của mình đi tiêu thụ.

Nhờ phát triển giao thông vận tải, thông tin liên lạc và năng lượng, các khu vực sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển, trong đó đầu tư tư nhân là quan trọng nhất. Hiện tại EWEC đang có 10 dự án phát triển lớn.

LÂM QUANG HUY
674 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 692
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 692
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87201663