Quảng Trị: Công ty khai thác công trình thủy lợi hoạt động theo kiểu “giật gấu vá vai” 

(Xây dựng) - Những năm trở lại đây, do thiếu hụt nguồn kinh phí, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi (QLKTCTTL) Quảng Trị phải xoay xở mọi cách để sửa chữa các công trình tưới tiêu mỗi khi bị thiệt hại do lũ lụt thiên tai gây ra theo kiểu “giật gấu vá vai”. Nếu như tình trạng này không được khắc phục thì tới đây (cụ thể là những tháng cuối năm 2017), các công trình thủy lợi do Công ty quản lý có bị hư hỏng hay xuống cấp đến mức nào đi chăng nữa, có lẽ cũng đành bó tay.

Công ty QLKTCTTL Quảng Trị có nhiệm vụ quản lý khai thác hầu hết các công trình thủy lợi vừa và lớn của tỉnh Quảng Trị gồm 18 hồ đập và gần 30 trạm bơm điện để phục vụ tưới tiêu cho hơn 32.000ha lúa, hoa màu của 8 huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cũng như các đơn vị QLKTCTTL khác trên cả nước, từ năm 2008, mọi chi phí của Công ty đều từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của nhà nước và giá tưới tiêu được điều chỉnh lần 2 vào năm 2012 với mức giá: Tưới tiêu bằng động lực là 1.409.000 đồng/ha và tưới bằng trọng lực là 986.000 đồng/ha. Việc điều chỉnh đơn giá cho tưới tiêu là mục đích để Công ty đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động sản xuất hàng năm và theo giá điều chỉnh tăng dần, bởi đơn giá đầu vào của những chi phí đều tăng hàng năm, như lương tăng, giá điện tăng… Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, trong 6 năm, giá tiền điện đã tăng nhiều lần (tiền điện để phục vụ bơm tưới tiêu từ năm 2012 đến 2017 tăng 47%), và qua nhiều lần điều chỉnh, tiền lương cũng tăng 84%, trong khi đó, chi phí tiền lương và tiền điện của Công ty chiếm đến 60%. Những yếu tố này dẫn đến cân đối thu chi năm 2015, Công ty âm 5 tỷ đồng và năm 2016 âm 6 tỷ đồng.

Chi phí tăng nhưng nguồn cấp bù thủy lợi phí của Công ty QLKTCTTL lại không được điều chỉnh nên Công ty rơi vào tình trạng thiếu hụt kinh phí hoạt động là điều tất yếu. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, đối với những công trình trọng yếu và trực tiếp tưới tiêu cho lúa và hoa màu trên địa bàn nếu có bị hư hỏng do thiên tai thì bằng mọi cách Công ty QLKTCTTT Quảng Trị phải tiến hành sửa chữa kịp thời để phục vụ cho bà con sản xuất đúng thời vụ. Đơn cử như công trình trạm bơm Mò Ó, xã Mò Ó, huyện Đakrông hầu như năm nào cũng đều bị bồi lấp do mưa lũ. Để trạm bơm này luôn có nước tưới cho 70ha lúa của bà con dân bản, mỗi năm Công ty phải chi phí từ 300-500 triệu để nạo vét đất cát bồi lấp. Hay ở tuyến kênh chính của hệ thống hồ chứa nước Bàu Nhum thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh có chiều dài 15km và có cách đây hàng chục năm về trước, tưới cho 600ha lúa của hai xã Vĩnh Chấp và Vĩnh Long, được làm bằng đất cát là chính nên chỉ cần có một đợt mưa là bị bồi lấp, vì thế năm nào Công ty cũng tiến hành nạo vét…


Trạm bơm Mò Ó bị đất bồi lâp sau mưa lũ.

Các nguồn vốn hỗ trợ về khắc phục bão lụt, chống hạn cho Công ty cũng hạn chế, không đủ để sửa chữa các công trình hư hỏng do thiên tai nên nhiều năm qua Công ty luôn hoạt động theo phương thức “gọt chân cho vừa giày”.

Để có kinh phí sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi bị hư hỏng do thiên tai, ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Công ty QLKTCTTL Quảng Trị cho biết, doanh nghiệp phải ứng các nguồn khác, thậm chí phải vay mượn. Bên cạnh đó, để tiết kiệm nguồn chi, Công ty còn cắt giảm số lao động xuống con số tối thiểu, có những vị trí biết cắt giảm là không phù hợp với quy định của Luật Lao động nhưng không còn cách nào khác, doanh nghiệp đành phải làm vậy.

Việc bị âm kinh phí do chưa điều chỉnh kịp thời nguồn cấp bù thủy lợi phí không những đẩy Công ty đứng trước những khó khăn nhất định, nguy hại hơn, có nhiều công trình được xây dựng từ hàng chục năm về trước đến nay không những bị xuống cấp trầm trọng mà còn không phù hợp với xu thế phát triển, nhất là khi sự cơ giới hóa ở nông thôn ngày càng phát triển mạnh mẽ. Có thể kể tới thực trạng các cây cầu bắc qua kênh chính của hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn. Hiện nay trên tuyến kênh này có đến 40 cây cầu vừa phục vụ nông nghiệp trên đồng ruộng vừa là cầu dân sinh. Loại cầu này tuy được xây bằng bê tông cốt thép nhưng tải trọng chỉ 1-2 tấn, trong khi những năm gần đây xe ô tô cũng như các loại xe máy chuyên dụng phục vụ nông nghiệp có trọng tải từ 2-3 tấn. Không những lạc hậu, do thời gian sử dụng quá lâu nên đến nay phần lớn những cây cầu bắc qua kênh mương Nam Thạch Hãn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều cây cầu do không còn sử dụng được nữa, người dân nhiều lần đã đề đạt với Công ty làm lại cầu mới nhưng do doanh nghiệp không có kinh phí, họ đã bắc vào đó những chiếc cầu tạm, nguy cơ tai nạn rình rập là không thể tránh khỏi.

Để khai thác một cách hiệu quả và an toàn đối với những công trình thủy lợi, tránh những tai nạn rủi ro đáng tiếc từ những cây cầu trên đồng ruộng, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, chính quyền các cấp và các Ban, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh việc cấp bù thủy lợi phí một cách phù hợp để các doanh nghiệp công ích hoạt động trên lĩnh vực QLKTCTTL có điều kiện để chủ động, đáp ứng kịp thời hoạt động sản xuất, đặc biệt là hoạt động sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi và công trình hạ tầng liên quan, phục vụ bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp an toàn và phát triển.

Hữu Tiến

900 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 752
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 753
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87021444