Dự án GMS được triển khai tại tỉnh Quảng Trị từ năm 2013, gồm 6 tiểu dự án tại thành phố Đông Hà và huyện Hướng Hoá, được đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, kè bờ sông, bãi thu gom và xử lý rác thải… Tổng mức đầu tư là hơn 109 triệu USD, tương đương khoảng 2.446 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn vay ưu đãi của ADB.
Tổng số hộ gia đình bị ảnh hưởng từ dự án là 2.288 hộ, tổng diện tích đất giả phóng mặt bằng là 532.720m2. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 2.212 hộ bị ảnh hưởng đã được bồi thường và hỗ trợ, chiếm gần 97% tổng số hộ bị ảnh hưởng, với số tiền chi trả gần 367 tỷ đồng, 76 hộ bị ảnh hưởng chưa đồng ý với phương án bồi thường hỗ trợ. Trong đó thành phố Đông Hà 61 hộ, huyện Hướng Hóa 15 hộ. Đây chính là mấu chốt làm cho tiến độ các công trình bị chậm trễ.
Tỷ lệ hoàn thành hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án đạt cao thể hiện sự nỗ lực lớn của chính quyền địa phương, các Trung tâm Phát triển quỹ đất, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án trong thời gian qua. Mặc dù tỷ lệ các trường hợp vướng mắc còn lại chiếm tỷ lệ thấp, tuy nhiên đây lại là những trường hợp khó khăn nhất, có thời gian xử lý kéo dài, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tháo gỡ và giải quyết.
Các hộ bị ảnh hưởng chưa đồng ý với phương án bồi thường nói trên liên quan đến các công trình bao gồm: Tại thành phố Đông Hà: Đường P2 đi Đông Lương-Đông Lễ, Đường Hoàng Diệu, đường Bà Triệu, Đường Trường Chinh, kè sông Hiếu; tại thị trấn Khe Sanh: Đường Hùng Vương (phạm vi 150m đầu tuyến), Đường Đoàn Khuê (phạm vi nút giao đầu tuyến), đường Trương Công Kỉnh (phạm vi nút giao đầu tuyến).
Phải khẳng định rằng, do chưa giải quyết dứt điểm với các hộ chưa đồng ý phương án bồi thường nói trên nên chưa bàn giao mặt bằng được cho đơn vị thi công, vì thế nhiều công trình bị chậm trễ tiến độ thi công. Xin đơn cử một số công trình: Tuyến đường phường 2 đi Đông Lương, Đông Lê (thành phố Đông Hà): Hiện tại, do vướng mắc giải phóng mặt bằng đoạn từ Km2+790 đến Km2+825 với chiều dài 35m nên chưa thể thi công để đảm bảo thông tuyến; Đường Hoàng Diệu chưa thi công 0,4/4,8km do vướng mắc mặt bằng tại 2 hộ dân; Đường Bà Triệu chưa thi công 0,8/3,8km do vướng mặt bằng tại 6 hộ dân từ Km1+600 đến Km2+500 và đoạn từ Km3+520 đến Km3+747,99; Đường Trường Chinh chưa thi công 120/948m do vướng mặt bằng tại 5 hộ dân trong đoạn tuyến Km1+97,38 đến Km1+714,69.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Dự án GMS tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của Dự án GMS là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, mà cụ thể đó là do một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; bên cạnh đó do lịch sử để lại nên một số trường hợp, việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, quy chủ sở hữu đất, quản lý đất đai và giải quyết tranh chấp gặp nhiều khó khăn…
Thời điểm đóng dự án (ngày 30/6/2022) không còn dài, trong khi đó khối lượng còn lại tại các công trình thuộc Dự án GMS Quảng Trị không phải là nhỏ, do đó nếu công tác giải phóng mặt bằng không được xử lý quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời thì việc hoàn thành Dự án GMS theo đúng kế hoạch là khó đạt được. Trong khi đó, theo nguyên tắc khi đóng dự án, nếu công trình nào chưa hoàn thành thì sẽ bàn giao lại cho địa phương để tiếp tục xử lý. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng cần phải quyết liệt hơn, các đơn vị liên quan phải đồng lòng, đồng sức tìm những giải pháp tối ưu để thực hiện.