Tháng 7/1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời.Với vị trí tuyến đầu đất nước, vùng đất Vĩnh Linh đã phải chịu đựng một khối lượng bom đạn khổng lồ của quân đội Mỹ từ nhiều hướng dội xuống.
Hình ảnh bom đạn tàn phá Vĩnh Linh. Ảnh tư liệu.
Trong gần 10 năm (1965 - 1972), kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn, tính bình quân vào thời kỳ đó mỗi người dân Vĩnh Linh đã phải hứng chịu 7 tấn bom đạn các loại.
Sau chiến tranh tàn khốc, người dân tỉnh Quảng Trị bắt tay vào kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ đạn bom chiến tranh, từ những vùng đất gieo rắc sự chết chóc, nhưng qua bàn tay lao động cần cù, sáng tạo của con người đã biến thành những vùng đất trù phú, bạt ngàn màu xanh.
Làm giàu từ cây lúa, đồng tôm
Đứng phía cầu Hiền Lương – vĩ tuyến 17 một thời chia cắt trông ra cánh đồng lúa trĩu hạt mới thấy màu của sự ấm no, phấn khởi. Trên cánh đồng, bà con đang tất bật thu hoạch lúa - những thành quả sau bao tháng ngày lao động vất vả. Những hình ảnh bà con gặt lúa bằng tay trước đây cũng đã được thay bằng máy móc cơ giới, nhờ đó mà sức lao động của con người được giải phóng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khảo sát lúa canh tác hữu cơ trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc HTX Đức Xá (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) vui mừng nói với chúng tôi: “Thêm một vụ mùa nữa bà con nông dân thắng lợi. Trồng lúa hữu cơ năng suất cao, chất lượng lúa có thể sánh ngang với lúa gạo nước ngoài”.
Những năm gần đây, bà con nông dân xã Vĩnh Thủy và nhiều địa phương tại Quảng Trị mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ. Đây là phương thức canh tác mới, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn với sức khỏe và môi trường, năng suất cao, chất lượng vượt trội hơn.
Theo ông Hải, những vụ đầu chỉ ít hộ tham gia, nhưng sau đó, khi thấy được năng suất, chất lượng của lúa hữu cơ được trồng theo quy trình nghiêm ngặt thì người dân phấn khởi tham gia. Diện tích canh tác tăng mạnh từ 11 ha lên 45 ha, với gần 200 hộ dân trồng lúa hữu cơ.
Các phương tiện cơ giới trên đồng ruộng, giải phóng sức lao động của con người.
Ông Hải cho hay, lúa hữu cơ với năng suất 6 tấn/ha/vụ. Người dân càng yên tâm hơn khâu đầu ra, bởi lúa được doanh nghiệp thu mua tại chân ruộng với giá cao.
Việc chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ đã mang đến những hiệu quả tích cực, được xem là phương pháp mới nhiều địa phương nhân rộng hiện nay. Ngành nông nghiệp Quảng Trị đang hướng đến phát triển mạnh cây lúa trồng hữu cơ, tăng thêm diện tích để đem lại hiệu quả cho bà con nông dân.
Người Quảng Trị thường nhắc nhau: “Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Thực tế, địa phương này đang nỗ lực biến những điều khó khăn thành lợi thế để phát triển.
Ngược về vùng phía Đông huyện Vĩnh Linh, những dải đất đỏ bazan đã được phủ xanh bằng những đồi cao su, hồ tiêu xanh ngút. Cây cao su và hồ tiêu được xem là những cây trồng chủ lực của địa phương. Những năm gần đây, những sản phẩm của địa phương đã được gắn thương hiệu đưa đi tiêu thụ khắp nước: dưa hấu Vĩnh Tú, dưa lưới các xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh), Trung Giang (Gio Linh), dứa quả…
Nhiều tàu cá công suất lớn nâng cao khả năng đánh bắt xa bờ.
Xuôi về phía bờ Nam vĩ tuyến 17 hướng bờ biển, chúng ta dễ dàng nhận thấy những con tàu đánh cá công suất lớn đậu trên bến cảng. Đây là tín hiệu vui trong việc phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, huyện Gio Linh là địa phương có thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản.
Hiện nay, toàn huyện có 886 tàu, thuyền với tổng công suất 78.914 CV, trong đó có 171 tàu xa bờ.Sản lượng hải sản khai thác trong năm 2018 đạt 14.760 tấn.
Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến hải sản đã tăng mạnh, nhất là chế biến mực, cá xuất khẩu và nước mắm đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, toàn huyện có 727,3 ha, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.086,13 tấn. Chúng tôi tìm gặp anh Hoàng Thế Vinh (SN 1985, ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh), triệu phú trong lĩnh vực nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Mỗi năm anh thu lãi từ 700-800 triệu đồng nhờ nuôi tôm.
Mô hình trang trại nuôi tôm hiện đại của anh Vinh.
Quá trình nuôi tôm của anh Vinh được tiến hành theo 2 giai đoạn, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Theo anh Vinh, tôm bột mua về được nuôi trong nhà kính nhỏ, chăm sóc đặc biệt. Khoảng gần 1 tháng sau mới thả ra hồ nuôi. Nhờ tuân thủ các quy trình chặt chẽ mà chất lượng tôm được nâng cao, tôm được đưa vào thị trường các nước châu Âu.
Nhà máy, khu công nghiệp "mọc lên"
Sau 44 năm đất nước giải phóng, 47 năm Quảng Trị thoát khỏi chiến tranh, trên “vùng đất lửa” xưa kia đã thấy dáng dấp của nền công nghiệp hiện đại. Trong đó, là sự hiện diện của các khu công nghiệp, nhà máy: Khu công nghiệp Quán Ngang, Khu công nghiệp Nam Đông Hà. Và tới đây, người dân nơi đây càng tin tưởng về sự “lột xác” bởi trong năm 2019, sẽ khởi công nhiều công trình trọng điểm: Khu bến cảng Mỹ Thủy trong Khu kinh tế Đông Nam, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị…
Nhà máy điện mặt trời trên cát.
Ngay bên cạnh tuyến hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra, Nhà máy điện mặt trời LIG – Quảng Trị, cóvốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà máy,lắp đặt máy móc thiết bị, tấm pin mặt trời để chuẩn bị vận hành. Dự kiến đầu tháng 5/2019 sẽ vận hành thử nghiệm và đi vào hoạt động chính thức từ tháng 6/2019. Công suất định mức của Nhà máy là 49,5MWp; điện năng sản xuất hàng năm dự kiến đạt 67,63 triệu kWh/năm.
Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Quảng Trị, được xây dựng trên vùng cát Gio Linh, giúp khai thác tối đa nguồn năng lượng mặt trời và kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển tỉnh Quảng Trị.
Trên vùng phía Tây, nhiều dự án điện gió đã và đang hoàn thành, mở ra hướng phát triển mới đối với lĩnh vực công nghiệp năng lượng của địa phương. Đến đầu tháng 4/2019, tỉnh Quảng Trị đã có 1 nhà máy điện gió đi vào vận hành. Đó là Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, do Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đầu tư, có công suất 30 MW, với tổng vốn 1.500 tỷ đồng đi vào hoạt động từ năm 2017.
Nhiều dự án điện gió phía Tây Quảng Trị.
Sắp tới tỉnh sẽ có thêm 4 dự án điện gió đi vào hoạt động, mỗi dự án có công suất 30MW. Ngoài ra, còn có hàng chục dự án điện gió khác đang trong quá trình xây dựng và tiến hành khảo sát.
Trong định hướng phát triển, tỉnh Quảng Trị chủ trương biến những cái khó khăn, bất lợi trở thành tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, địa phương đang tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm điện năng của miền Trung, ưu tiên các dự án điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện.
Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Năm 2019, sẽ có nhiều dự án chuẩn bị khởi công tại địa phương. Trong đó, 2 dự án lớn trong Khu kinh tế Đông Nam, gồm: Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy vừa được Chính phủ phê duyệt, Nhà máy Nhiệt điện 1 nằm trong cũng có đầy đủ các thủ tục để khởi công. Đây là các công trình có ý nghĩa quan trong trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Trị.
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Trị, địa phương đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường để thu hút nguồn lực đầu tư và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để hỗ trợ, đón đợi các nhà đầu tư lớn vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.