Một ngày sau bão số 5 ngư dân vẫn chưa được phép ra khơi trở lại. Ảnh: Công Điền.
Ngày 19/9, thời tiết ở tỉnh Quảng Trị đã khô ráo, trời đã bắt đầu có nắng. Mọi sinh hoạt của người dân dần trở lại bình thường như những ngày trước bão.
Người dân đi sơ tán tại khu tránh bão đã trở về để dọn dẹp nhà cửa. Các công sở, trường học bị ảnh hưởng bởi bão số 5 đã triển khai dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị hoạt động trở lại vào tuần sau.
Theo ghi nhận của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại Khu neo đậu thuyền tránh trú bão xã Triệu An, huyện Triệu Phong, rất nhiều tàu thuyền của ngư dân đang nằm bờ. Tại một số tàu thuyền, ngư dân đang kiểm tra lại hệ thống dây chằng, níu và các tài sản trên thuyền. Theo các ngư dân, ngành chức năng vẫn chưa cho phép tàu thuyền ra khơi nên vẫn phải chờ.
Trao đổi với PV, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện tại tỉnh vẫn chưa dỡ lệnh cấm biển. Tất cả các phương tiện tàu thuyền vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm theo công điện phòng chống bão số 5 của tỉnh. Khi nào UBND tỉnh có lệnh giải tỏa thì tàu thuyền sẽ được phép hoạt động trở lại.
Để ứng phó với bão số 5, đã có 2.312 tàu thuyền, với 7.163 thuyền viên của tỉnh Quảng Trị vào neo đậu an toàn. Ngoài ra, 125 tàu ngoại tỉnh với 948 thuyền viên cũng đã vào neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh.
Ngư dân vùng bãi ngang tỉnh Quảng Trị dùng xe cơ giới đưa thuyền lên bờ tránh bão chiều 17/9. Ảnh: Công Điền.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị ban hành công điện khẩn số 08/CĐ-UBND về vệc tập trung ứng phó với bão số 5 và mưa lũ. Theo nội dung công điện này, song song với việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão, tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h ngày 17/9/2020 và tàu thuyền được phép hoạt động trở lại khi kết thúc thời tiết nguy hiểm trên biển.
Thống kê từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, bão số 5 đã làm 1 người chết (huyện Đakrông) và 3 người bị thương (huyện Hải Lăng); gần 1.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, tập trung chủ yếu huyện Hải Lăng (594 nhà), huyện Đakrông (239 nhà); gần 200ha lúa và hoa màu, cây lâu năm, cây ăn quả bị ngập nước, gãy đổ.
Đặc biệt, trên 1.200ha cây tràm, cao su ở huyện Hải Lăng, Đakrông và TX Quảng Trị bị gãy đổ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.
Ngoài ra, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 bị sạt lở một số đoạn, gây ách tắc giao thông tạm thời. Trên địa bàn tỉnh có 3 cột điện bị gãy đổ, gây ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dùng điện.
CÔNG ĐIỀN