Quảng Trị chủ động phòng tránh sạt lở đất và lũ quét ở miền núi 

(Chinhphu.vn) - Các huyện miền núi Quảng Trị còn rất nhiều điểm có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, vì thế lực lượng chức năng chủ động những phương án phòng ngừa thiên tai xảy ra.
Quảng Trị chủ động phòng tránh sạt lở đất và lũ quét ở miền núi- Ảnh 1.
 

Lực lượng chức năng tại huyện Hướng Hóa vận động người dân di dời trong cơn bão số 6. Ảnh: VGP/Minh Trang

Nguy cơ sạt lở đất "rình rập" tại 2 huyện miền núi

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, huyện miền núi Hướng Hóa và Đăkrông là 2 địa phương có nhiều điểm nguy cơ bị sạt lở đất và lũ quét.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2024 tại huyện Hướng Hóa có khoảng 45 điểm với gần 600 hộ dân, 2.617 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Trong đó, 19 khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao phân bố tại các thôn thuộc xã Húc, Hướng Tân, Hướng Việt, Ba Tầng với tổng gần 300 hộ dân, 1.322 nhân khẩu.

Phần lớn các khu vực này nằm ở vị trí có địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối có độ dốc theo sườn núi. Nơi đây, hằng năm nhận lượng mưa khá lớn và tập trung cùng thời điểm nên dễ khiến các dãy núi bị đứt gãy, gây ra sạt lở. Có điểm độ dốc quá lớn nên khi có mưa lũ liên tục kèm tốc độ dòng chảy mạnh sẽ có nguy cơ xảy ra lũ quét với sức tàn phá rất lớn.

Còn theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Đăkrông, năm 2024 toàn huyện có 13 xã với 78 thôn, bản nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét khiến gần 1.500 hộ dân, 6.504 nhân khẩu bị ảnh hưởng buộc phải có phương án sơ tán khi vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, tại huyện Đăkrông có 8 khu vực với trên 250 hộ dân, 1.044 nhân khẩu được xác định sinh sống dọc các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông.

Quảng Trị chủ động phòng tránh sạt lở đất và lũ quét ở miền núi- Ảnh 2.
 

Hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đăkrông hằng năm có lượng mưa lớn, địa hình dễ bị chia cắt. Ảnh: VGP/Minh Trang

Xây dựng các phương án di dời dân khẩn cấp khỏi khu vực nguy hiểm

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hướng Hóa, để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai nói chung, địa phương thường xuyên quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp ứng phó với thiên tai đến tận người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, chú trọng xây dựng các phương án di dời dân khẩn cấp ra khỏi các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi; bố trí nơi ăn ở đảm bảo khi tình huống xảy ra.

Về lâu dài, địa phương có nhu cầu bức thiết hiện nay là xây dựng 8 khu tái định cư cho người dân tại các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét, đến nay đang xây dựng 3 điểm.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đến nay, đa số các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập, củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở với số lượng từ 50-70 người/xã do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt cùng với sự tham gia của công an thôn, lực lượng thanh niên, chữ thập đỏ...và một số người dân có kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Với quan điểm chỉ đạo phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2024.

Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm PCTT đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão.

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh tự động hóa nâng cao chất lượng công tác dự báo; phát triển hệ thống cảnh báo thiên tai cộng đồng theo hướng thông minh; phát triển hệ thống các trạm quan trắc thủy văn chuyên dùng theo hướng tự động hóa đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo cho các đơn vị chủ động trong việc ứng phó với mưa, lũ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên tuyến khu vực biên giới. Trong đó, lực lượng biên phòng tỉnh vẫn tiếp tục duy trì lực lượng trực cùng các phương tiện, gồm 3 tàu, 39 ô tô, 19 ca nô sẵn sàng chi viện cho các mũi, các hướng khi có tình huống xảy ra.

Hiện nay, trên tuyến đất liền, lực lượng biên phòng vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi tình hình thời tiết, khí hậu trên địa bàn, đặc biệt các nơi dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở để sẵn sàng di dời người dân đến vị trí an toàn. Tại các ngầm, tràn trên tuyến biên giới, nếu xảy ra ngập lụt luôn có cán bộ, chiến sĩ ứng trực không cho người, phương tiên qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

Minh Trang

32 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1219
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1219
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87098680