Mặc dù Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các tỉnh dứt điểm việc chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển cho người dân trong tháng 11/2017, tuy nhiên đến nay, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thực hiện xong.
Vướng mắc do đối tượng chưa được chi trả, gồm các hộ thu mua, chế biến có hải sản bị tồn kho trong thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển. Mặt khác nhiều người đi làm ăn xa chưa về nhận tiền chi trả.
|
Người dân nhận tiền bồi thường do ảnh hưởng sự cố môi trường biển. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, đến hết tháng 11 vừa qua, tỉnh này còn tồn kho hơn 1400 tấn hải sản đông lạnh. Thủ tục chi trả bồi thường đã hoàn thành nhưng khi niêm yết công khai thì người dân lại phản đối.
Vào thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, cơ sở của ông Nguyễn Văn Hùng, ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, thu mua hơn 11 tấn sứa tươi không tiêu thụ được, đến nay hàng trong kho đã hư hỏng nhưng chưa được hỗ trợ để tiêu hủy.
Ông Nguyễn Văn Hùng nói: “Tỉnh yêu cầu người dân phải đồng thuận mới được đền bù nhưng người dân không đồng thuận, họ khiếu kiện nên giờ hàng đang nằm trong kho, để lâu quá nên hàng bị hỏng”.
Tổng kinh phí để tỉnh Quảng Trị chi trả bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển là hơn 1000 tỷ đồng, đến nay đã chi trả được hơn 90%. Tỉnh Quảng Trị đang yêu cầu các địa phương rà soát đối tượng, kiến nghị Bộ Tài chính cấp 10% còn lại tương đương 100 tỷ đồng để hoàn tất chi trả bồi thường.
Ông Trần Văn Sơn, trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, chủ kho đông lạnh Sơn Thủy cho biết, hiện trong kho của mình vẫn còn tồn đọng hơn 32 tấn hải sản bị hư hỏng, đang chờ được tiêu hủy.
Ông Sơn thuộc diện được hưởng đền bù theo mức đối với hải sản còn tiêu thụ được. Tuy nhiên, thời gian qua, số hải sản trên không thể bán được và đã hư hỏng hoàn toàn.
Cuối năm ngoái, ông Sơn tiếp tục làm đơn xin được hỗ trợ tiêu hủy hải sản. Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, thẩm định và lập biên bản về số lượng hải sản được hỗ trợ tiêu hủy. Thế nhưng, khi trường hợp này được niêm yết công khai thì người dân phản đối, khiếu nại nên việc hỗ trợ và tiêu hủy hải sản tồn trong kho của ông Sơn bị gián đoạn.
“Hiện số hải sản hư hỏng vẫn nằm trong kho làm ảnh hưởng đến kinh doanh. Mỗi tháng tôi phải trả từ 8 đến 9 triệu đồng tiền điện để bảo quản số hàng đã hư hỏng này. Có nhiều người dân phản đối vì nói chúng tôi trước đó đã được nhận hỗ trợ 30% hải sản an toàn nhưng không tiêu thụ được nên không được đền bù nữa. Hiện tại còn 32 tấn hải sản đã hư hỏng, cá bốc mùi hôi” - ông Trần Văn Sơn cho biết.
|
Hải sản tồn trong kho đông lạnh chưa được hỗ trợ tiêu hủy. |
Sau sự cố môi trường biển tại tỉnh Quảng Trị có 32.500 người bị ảnh hưởng việc làm. Hiện nay, gần 2000 người bị mất việc được hỗ trợ đã xuất khẩu lao động. Ngoài ra, nhiều trường hợp đi làm ăn xa tại các tỉnh, thành phố phía Nam chưa trở về địa phương nhận chi trả khiến tỉnh Quảng Trị vẫn chưa hoàn thành công tác chi trả bồi thường sau sự cố môi trường biển.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay địa phương không phát sinh mở rộng thêm đối tượng, chấm dứt việc kê khai. Việc chi trả sẽ hoàn tất khi người dân đi làm ăn xa trở về. Đối với các đối tượng có đơn khiếu nại, chính quyền và các cơ quan chức năng tăng cường giải thích theo đúng quy định của Trung ương.
“Đến nay, cơ bản đã chi trả khoảng 97%, theo đúng các đối tượng. Chúng tôi cố gắng giải quyết dứt điểm trong tháng 12 này. Tuy nhiên, còn một số người dân còn thắc mắc, khiếu nại... chúng tôi đang rà soát lại. Còn một số vấn đề vượt quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ xin ý kiến của Trung ương. Chúng tôi sẽ cố gắng giải thích cho bà con, không để tình trạng này kéo dài”, ông Hà Sỹ Đồng thông tin thêm./.