Quảng Trị: Chất lượng giáo dục ngày càng đi vào thực chất 

(ĐCSVN) - Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định, ngày càng đi vào thực chất; giáo dục nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp được thực hiện đối với học sinh cấp THCS và THPT...

Đó là một số kết quả mà tỉnh Quảng Trị đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.


Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị làm việc với Đoàn công tác liên ngành Trung ương
do PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN, làm Trưởng đoàn, tháng 7/2018. (Ảnh: Anh Tuấn)

Đồing chí Hồ Đại Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết,  tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt b́ình quân 95%, riêng giai đoan 2013-2017 bình quân mỗi năm có khoảng 6.000 em đỗ đại học, cao đẳng; xếp hạng của tỉnh theo điểm trung bình kết quả thi đại học, cao đẳng 07 năm trở lại đây đứng ở vị thứ từ 29 đến 32 địa phương trong cả nước. Nhiều học sinh đỗ thủ khoa các trường đại học trong nước và ngày càng có nhiều em nhận học bổng của các trường đại học quốc tế.

Việc hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Hướng nghiệp và Trung tâm Dạy nghề cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phù hợp với tình hình thực tế địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường việc hỗ trợ có hiệu quả cho các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.

Hiện toàn tỉnh có 05 trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), trong đó tỉnh có 01 trường và 04 trường cấp huyện với tổng số 1.159 học sinh; 06 trường phổ thông dân tộc bán trú với 2.412 học sinh (907 học bán trú); 15 trường phổ thông có học sinh bán trú (4.078 học bán trú). Việc dạy học tiếng dân tộc cũng được tổ chức rộng khắp. Tỉnh đã chỉ đạo việc dạy học tiếng Bru-Vân Kiều cho học sinh lớp 6 tại 5 trường trên địa bàn huyện Đăkrông, Hướng Hóa và cán bộ quản lí, giáo viên vùng dân tộc thiểu số theo chương trình và sách giáo khoa của Sở.

Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định, ngày càng đi vào thực chất; chất lượng mũi nhọn có bước phát triển khởi sắc. Giáo dục nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp được thực hiện đối với học sinh cấp THCS và THPT. Hàng năm, các đơn vị trường học huy động 100% học sinh lớp 8, lớp 11 tham gia học nghề phổ thông.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị, Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức khuyến học trên địa bàn đã có nhiều hình thức gây quỹ hiệu quả như: “Heo đất khuyến học”; “Thùng quỹ khuyến học di động”, “Cân thóc khuyến học”... Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, Quỹ khuyến học toàn tỉnh đã huy động được hơn 22,11 tỷ đồng.


Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị trao học bổng động viên các học sinh
vùng bị thiệt hại do bão lũ tháng 11/2016. (Ảnh: hoikhuyenhoc.quangtri.gov.vn)

Cùng với đó, Giải thưởng Bùi Dục Tài - giải thưởng cao nhất của chính quyền địa phương dành cho những người học đạt thành tích xuất sắc (công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên…) được trao hàng năm thực sự khích lệ các gương sáng hiếu học nỗ lực vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo và đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tại Quảng Trị, một số trường THPT đã tổ chức dạy tiếng Việt cho cán bộ chủ chốt và học sinh cấp 2, 3 của huyện Sa Muội, tỉnh Savannakhet, Lào. Trường CĐSP Quảng Trị tiếp tục tiếp nhận, hỗ trợ đào tạo và cấp học bổng toàn phần chuyên ngành Cao đẳng tiếng Việt cho sinh viên Trường CĐSP Savannakhet và Salavan (Lào).

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết 29 cũng còn một số hạn chế như: Việc quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết còn chung chung, công tác quản lý Nhà nước về giáo dục có mặt còn hạn chế. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có điểm chưa thoả đáng, bất hợp lý so với nhu cầu phát triển. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học còn bất cập, nhất là ở các huyện miền núi. Chính sách thu hút sinh viên, giáo viên giỏi về công tác tại tỉnh hiệu quả thấp...

Trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quảng Trị sẽ thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 29-NQ/TW, đổi mới căn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở giáo dục theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP.

Đồng chí Phạm Đức Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, địa phương sẽ ưu tiên thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 nhằm tạo ra mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo chất lượng và rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập, học tập suốt đời của người dân. Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường kiểu mẫu ở các cấp học. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư.

Cùng với đó, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với vị trí việc làm, đảm bảo sự cân đối, hợp lý về số lượng, chất lượng giữa các cấp học, ngành học, giữa các vùng miền trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng mất cân đối về đội ngũ giáo viên ở các ngành học, cấp học trên địa bàn.../.

Anh Tuấn

422 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1049
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1049
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87198402