Một ngày trung tuần tháng 6 trời nắng như đổ lửa, chúng tôi đã có chuyến đi tới những khu rừng cây bần chua trên địa bàn huyện Triệu Phong. Khi len lỏi vào khu rừng Bần chua xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong), cả một không gian cây cối xanh tươi, dịu mát xua đi cái nóng cháy da, cháy thịt giữa mùa hạ.
Ông Nguyễn Hữu Phận - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) cho biết: Địa phương có đất chạy dọc bờ sông Thạch Hãn hơn 4km, trong đó có hơn 3km được trồng cây bần chua từ năm 2015, theo dự án Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải, sông Thạch Hãn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, với tổng diện tích là 29ha. Qua 5 năm quản lý và chăm sóc, đến nay tỷ lệ cây sống đạt khá cao, gần 80%, chiều cao của cây bình quân hơn 3m, phần thân cây gần gốc có bán kính từ 15-20cm.
Ông Phận cho biết thêm: Những con đê, hay bờ sông có trồng cây Bần chua đã hạn chế một cách đáng kể tình trạng sạt lở. Đặc biệt, làm giảm tốc độ dòng chảy, nên bờ sông ngày càng được bồi đắp, đưa bờ thoải ra rộng phía dòng sông. Không những thế, khi nước dâng cao dưới gốc rừng trở thành nơi trú ngụ và sinh sống của tôm, cua, cá mang lại một nguồn thu đáng kể cho người đánh bắt thủy hải sản.
|
Anh Lê Hữu Tuấn đang đánh bắt thủy hải sản tại khu rừng bần chua thuộc xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong. |
Đang rong ruổi qua các khu rừng bần chua, chúng tôi gặp anh Lê Hữu Tuấn, đánh bắt thủy sản ngay trong khu rừng của thôn Xuân Quy, xã Triệu Độ. Anh Tuấn cho biết: Việc đánh bắt thủy sản tại các khu rừng Bần chua đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên hơn cho gia đình, bình quân ngày cũng được hơn 100 nghìn.
Nằm về cuối nguồn sông Thạch Hãn, ốc đảo Bắc Phước, xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) là một vùng xung yếu của mưa lũ. Chính lẽ đónăm 2009, được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cấp và bảo vệ đê điều của Trung ương, Chi cục thủy lợi Quảng Trị đã chọn Bắc Phước đầu tư trồng cây bần chua dọc theo tuyến đê sông, dài hơn 5km được bao bọc hơn 40ha rừng bần, với tổng mức kinh phí là 20 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Vui - Chủ tịch UBND xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) cho biết: Từ khi rừng ngập mặn được hình thành, rừng bần trở thành vành đai bảo vệ vững chắc trước mọi nguy cơ vỡ đê, hạn chế xâm nhập mặn trước tác động của sóng và triều cường. Bên cạnh đó, góp phần bảo vệ công trình thủy lợi, ruộng đồng, cải thiện môi trường sinh thái, tăng tính đa dạng sinh học. Điều đáng chú ý, trận lũ lịch sử của năm 2020, những tuyến đê và bờ sông có trồng cây bần chua không xảy ra tình trạng sạt lở nặng, trong khi đó tại một tuyến đê khác không trồng cây này sạt lở nặng, thiệt hại hàng tỷ đồng…
Ông Nguyễn Vĩnh An - Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị) cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Chi cục đã triển khai trồng và chăm sóc trên 60ha diện tích rừng cây Bần chua dọc bờ sông Thạch Hãn thuộc hai huyện Triệu Phong và Gio Linh, cây rừng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 70%, mang lại nhiều lợi ích, nhất là việc bảo vệ vững chắc cho đê điều và ruộng đồng.
Trên cơ sở kết quả mang lại từ các khu rừng bần chua đã trồng, năm 2021, tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai phát triển thêm hơn 50ha cây bần chua dọc bờ sông Bến Hải, Thạch Hãn tại 5 xã thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong thông qua dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Trị (FMCR).