Hội nghị đối thoại doanh nghiệp
Ông Dương Văn Sơn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị khẳng định: Các tiêu chí của Hiệp hội luôn được xây dựng một cách xác đáng, đặc biệt trong đó chú trọng đến hoạt động khâu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính quyền và các cơ quan chức năng. Mục đích của tiêu chí này nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhằm giải tỏa những kiến nghị tháo gỡ vướng mắc và khó khăn từ doanh nghiệp. Song, để hoạt động này đi vào hiện thực, đòi hỏi công tác phát triển hội viên và xây dựng hệ thống “chân rết” là hết sức quan trọng. Xác định được trọng tâm đó, thời gian qua Ban thường trực cũng như Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp đã tích cực tham gia công tác phát triển hội viên và củng cố các đợn vị trực thuộc. Tính đến nay Hiệp hội có 10 Hội doanh nghiệp trực thuộc, trong đó có 7 Hội doanh nghiệp huyện, thị xã, 3 Hội doanh nghiệp ngành nghề, với hơn 600 hội viên là doanh nghiệp thành viên. Thông qua hệ thống này, Hiệp hội đã phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi chính đáng của thành viên, đồng thời thông qua các buổi đối thoại, diễn đàn thường trực, Hiệp hội đã tích cực làm việc với các cơ quan chức năng, tìm hướng giúp các doanh nghiệp giải quyết vướng mắc về khó tiếp cận nguồn vốn vay; tiếp cận thị trường đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, đất đai, hải quan; các công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng, môi trường; tham gia phản ánh những góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp đối với UBND tỉnh và các cơ quan trung ương. Đơn cử, Hiệp hội tham gia làm thành viên cùng UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị năm 2017. Tại diễn đàn này, Hiệp hội đã tập hợp kiến nghị của hơn 30 doanh nghiệp xoay quanh những vấn đề quan tâm đó là: Tiếp cận vốn vay: Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi theo quy định của Nhà nước đối với các doanh nghiệp này là rất khó khăn, phải vay từ nguồn khác với lãi suất cao. Tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm; công tác kiểm tra, thanh tra còn nhiều bất cập. Thủ tục hành chính còn rườm rà, giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn còn nhiều (nhất là lĩnh vực đất đai; cấp phép đầu tư, xây dựng; thuế; hải quan…). Vấn đề bảo hiểm cho công nhân phải thực hiện vào đầu tháng, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.Trạm thu phí đường bộ BOT của Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư trên quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đi vào hoạt động đến nay nhiều doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp phân phối hàng hóa và các doanh nghiệp xây dựng vốn dĩ đã khó khăn lại càng khó khăn thêm… Một số kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp được giải đáp ngay tại Hội nghị, những kiến nghị chưa trả lời tại Hội nghị thì UBND tỉnh sẽ gửi giải đáp bằng văn bản sau đó.
Đầu tháng 8/2017 Hiệp hội tổ chức khai trương “Cà phê doanh nghiệp”, tổ chức hai lần vào ngày thứ bảy của tuần thứ 1 và tuần thứ 3 trong tháng. Đây là nơi trao đổi kinh nghiệm kinh doanh giữa các doanh nhân và đối thoại với chính quyền nêu lên những khó khăn, kiến nghị, qua đó, lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành, địa phương tiếp nhận trực tiếp ý kiến của mỗi doanh nghiệp, từ đó những vấn đề còn vướng mắc có thể được giải đáp, tháo gỡ kịp thời tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, chuyên đề nói chuyện của Tiến sỹ Lê Thẩm Dương… cung cấp thông tin liên quan đến chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức quản trị, năng lực lãnh đạo, điều hành cho doanh nghiệp. Quan tâm giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội thảo, hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác kinh doanh.
Hàng năm, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm. Đây là một trong những hoạt động mang một ý nghĩa tôn vinh khuyến khích doanh nghiệp phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời động viên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vượt lên chính mình để khắc phục những tồn tại tạo ra hướng đi mới, phát triển doanh nghiệp…
Bằng những hoạt động đúng định hướng, sát thực với điệu lệ, Hiệp hội đã cùng với tỉnh nhà đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó góp phần tiếp sức thêm để cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn có những đóng góp tích cực không chỉ cho ngân sách, tăng trưởng kinh tế mà còn đóng góp to lớn cho xã hội trong tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Cụ thể, mỗi năm có thêm hàng trăm doanh nghiệp thành lập mới nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đến thời điểm này lên 3.217 doanh nghiệp; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,4 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 35.000 lao động.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, doanh nghiệp đón nhận nhiều cơ hội, song cũng không ít những thách thức, nhất là sự thay đổi nhánh chóng về công nghệ, thị trường canh tranh diễn biến ngày càng gay gắt…Vì vậy, vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội doanh nghiệp đối với cộng đồng doanh nghiệp còn nặng nề hơn nhiều, đặc biệt là công tác khâu nối, tập hợp để cộng đồng doanh nghiệp có tiếng nói chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bước qua thách thức cùng nhau phát triển… Chính vì thế, thời gian tiếp theo, ngoài sự nổ lực và phát huy những kết quả đạt được, Hiệp hội doanh nghiệp cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, nhất là việc xác định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của Hiệp hội, từ đó xây dựng và ban hành vào hoạt động của Hiệp hội một số cơ chế mang tính pháp lý cao có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo được niềm tin và sự gắn kết lâu dài giữa tổ chức Hiệp hội với doanh nghiệp.
Hữu Tiến