Chỉ vài km từ Quốc lộ 9 qua xã Hướng Hiệp là những cánh rừng thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông và của UBND xã quản lý. Theo con đường mòn vào bìa rừng, phóng viên đã bắt gặp những chiếc xe máy dựng sẵn của người dân dưới chân núi. Từ đây, họ tỏa đi tìm loại cây quế rừng đốn hạ, rồi đẽo lấy vỏ mang bán cho thương lái.
Bên trong những cánh rừng là hàng loạt cây quế bị đốn hạ bằng rìu hoặc cưa máy, toàn bộ lớp vỏ đã bị lấy đi.
|
Theo ghi nhận, trên các sườn núi là hàng chục cây quế rừng bị đốn hạ bằng rìu hoặc cưa máy. Đa phần cây có đường kính 20 - 40cm và dài 4 - 6m, toàn bộ phần vỏ đã bị đẽo lấy đi còn thân gỗ bị bỏ lại rừng. Có những cây quế bị người dân đẽo vỏ từ gốc cho đến ngọn và đang có dấu hiệu chết dần khi tán lá bắt đầu khô rụng.
Bắt gặp 2 vợ chồng người địa phương vừa mới đẽo vỏ xong một cây quế rừng, phóng viên được biết, từ sáng đến giờ họ đẽo được 2 bao vỏ quế, mỗi bao khoảng 50kg. Thương lái hiện mua 5.000 đồng/kg. Cả 2 cho biết đều đốn hạ, đẽo lấy vỏ dù biết đây là khu vực rừng đã nghiêm cấm việc khai thác.
Những bao vỏ quế vất dọc theo đường mòn của những người dân khai thác trái phép.
|
Men theo các sườn núi khác, phóng viên ghi nhận những cây quế rừng với hơn 1 vòng tay người ôm bị đốn hạ lấy vỏ không thương tiếc. Qua tìm hiểu, những người vào khai thác này đều là người thân của 1 gia đình sống ngay sát bìa rừng.
Để tránh bị phát hiện, những người khai thác này thường dùng rìu đốn cây vào thời gian rạng sáng. Sau đó, dùng rìu, rựa để đẽo lấy vỏ rồi chở ra bán ngoài Quốc lộ 9. Với mức giá khá cao, nên nhiều người dân đã tìm mọi cách để khai thác bán cho thương lái.
Với mức giá 5.000 đồng/kg, người dân bất chấp hạ những cây quế hàng chục năm tuổi chỉ để lấy vỏ cho thương lái.
|
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đại Đức - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đakrông cho biết đã nắm được tình trạng người dân lén lút vào rừng khai thác vỏ quế theo hình thức chặt cây, lấy vỏ. Vỏ quế được thương lái thu mua với mục đích sử dụng làm nguyên liệu trong việc làm hương (nhang) thờ cúng.
“Mới đây, đơn vị đã phát hiện, thu giữ 5 tạ vỏ quế tại một cơ sở thu mua. Hiện vụ việc đang được chúng tôi tiếp tục xác minh, làm rõ”, ông Trần Đại Đức cho biết thêm.
Tình trạng chặt cây, đẽo vỏ diễn ra ở nhiều cánh rừng thuộc địa bàn huyện Đakrông trong vòng 1 tháng qua.
|
Tình trạng người dân vào rừng đốn hạ cây Quế để lấy gỗ mới chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng trở lại đây tại nhiều khu vực rừng trên địa bàn huyện Đakrông. Trước đó, vào ngày 8/7/2021, Trạm kiểm lâm La Lay (Hạt kiểm lâm huyện Đakrông) phối hợp với UBND xã A Ngo, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế La Lay kiểm tra tại Tiểu khu 759A, 761 đã phát hiện, bắt giữ 6 đối tượng là người dân của thôn La Lay (xã A Ngo) đang có hành vi chặt hạ trái phép cây quế rừng lấy vỏ.
Hiện vụ việc đang được Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lay phối hợp với Trạm kiểm lâm La Lay thu thập chứng cứ, hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý các đối tượng chặt hạ cây quế rừng trái phép tại 2 Tiểu khu nói trên. Đồng thời, thu hồi số gỗ quế đã bị chặt hạ trong lâm phần do Đồn quản lý.
Một cây quế rừng hơn 1 vòng tay người ôm bị đốn hạ không thương tiếc tại lâm phần do UBND xã Hướng Hiệp quản lý.
|
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo Quản lý bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững (BCĐ QLBVR&PTLNBV) huyện Đakrông, không chỉ tại xã Hướng Hiệp, A Ngo mà tình trạng người dân vào rừng chặt hạ cây quế để đẽo vỏ bán cho thương lái còn xảy ra tại các xã: Đakrông, Tà Long, Tà Rụt, A Bung và A Vao.
Trước tình trạng trên, BCĐ QLBVR&PTLNBV huyện Đakrông đã có văn bản yêu cầu ban, ngành, đoàn thể cùng các xã tiếp tục tổ chức tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ phát triển rừng cho người dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng tại các thôn, bản ở trong và ven rừng.
Đồng thời, các tổ bảo vệ rừng, lực lượng công an, quân sự xã phối hợp với kiểm lâm, bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác rừng trái phép, ngăn chặn triệt để tình trạng chặt hạ cây quế rừng tự nhiên để lấy vỏ trên địa bàn xã quản lý.
Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra tại cánh rừng thuộc địa bàn xã Hướng Hiệp, có thể thấy việc ngăn chặn, xử lý tình trạng người dân đốn hạ cây quế rừng để lấy vỏ vẫn chưa triệt để. Hàng ngày, hàng giờ, những cây quế hàng chục năm tuổi vẫn ngã xuống giữa các cánh rừng.