Cuối năm 2018, thôn Đâu Bình 1, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chính thức xóa hết hộ nghèo, trở thành thôn đầu tiên của xã “trắng” hộ nghèo. Sau tròn 30 năm tái lập tỉnh, nơi đây đã thực sự “thay da đổi thịt”, nhờ kiên trì cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cây chè vằng của ông Thán dự kiến thu hoạch tháng 6/2019
Đã có nhà khang trang cuối thôn Đâu Bình 1, song anh Nguyễn Văn Châu vẫn chưa thể quên những ngày gian khó, do thiếu nước tưới, nên quanh năm chỉ trồng cây lạc, năng suất không cao.
“Năm 2010, khi có nguồn nước, nhiều diện tích đất hoang hóa, khô cằn đã được người dân cải tạo để trồng lúa. Anh Châu có 5 sào ruộng, vì vậy, đã chủ động được nguồn lương thực.
Có nước tưới, diện tích trồng lạc cũng được mở rộng, đặc biệt, cả 5 sào ruộng đều sản xuất lúa chất lượng cao, diện tích lạc áp dụng phủ bạt nilon, năng suất tăng rõ rệt, nếu sản xuất bình thường, 1 sào chỉ đạt gần 1 tạ, nhưng khi phủ bạt nilon, đạt gần 1,5 tạ. Hiện, tôi đang cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao”, anh Châu cho biết.
Nhờ tích cực cải tạo vườn tạp, người dân Đâu Bình 1 ngày càng có nhiều mảnh vườn được “thay áo mới” bằng những cây trồng hiệu quả kinh tế cao như cây ăn quả, cây chè vằng…
Câu chuyện cải tạo vườn tạp của ông Trần Văn Thán là một minh chứng cho tinh thần quyết tâm làm giàu của người dân nơi đây. Từ vườn cây ăn quả và chè vằng đã bén rễ xanh tốt, ông Thán cho biết, trước đây, mảnh đất này là 1 bãi hoang, lổm nhổm đá, chỉ có đá và cây dại.
Đầu năm 2018, với quyết tâm cải tạo để xây dựng vườn cây ăn quả, muốn có một tấc đất để đặt cây xuống trồng, ông Thán cùng vợ phải vận chuyển hang chục khối đá.
Sau hơn 3 tháng khai hoang, toàn bộ khối lượng đá được ông Thán đặt làm tường rào, mảnh vườn tạp dần mang hình hài của một vườn cây ăn quả.
Tháng 10/2018, ông Thán trồng 190 gốc cây ăn quả: bưởi, nhãn, chôm chôm, cam… Xen cây ăn quả, ông trồng trên 6.000 gốc chè vằng. Hiện, khu vườn đã khoác màu xanh mới, dự kiến tháng 6/2019 sẽ thu hoạch lứa chè vằng đầu tiên.
“Vấn đề cải tạo vườn tạp được thực hiện từ nhiều năm trước, ngoài 1 ha cao su còn 100 gốc thanh long, chanh các loại, hiện đã cho thu hoạch. Hơn 3 sào chè vằng và cây ăn quả là diện tích mở rộng thêm để nâng cao thu nhập. Thời gian tới, dự kiến sẽ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt”, ông Thán cho hay.
Được biết, ngoài diện tích lúa nước do người dân tự khai hoang, huyện Cam Lộ đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm tại cánh đồng Trằm, để người dân chuyên canh ngô, lạc, dưa các loại.
Khi đã chủ động nguồn lương thực, người dân Đâu Bình 1 còn trồng trên 40 ha cao su, hiện đã cho khai thác mủ. Ngoài ra, còn trồng cây chè vằng, lạc phủ nilon, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Văn Lực, trước đây từng là hộ nghèo do bản thân thường xuyên đau ốm, thiếu đất, thiếu kiến thức sản xuất…Vì vậy, ông được vay 15 triệu đồng mua 2 con bò giống.
Được tham gia tập huấn kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tích cực cải tạo vườn tạp, nhận thêm ruộng canh tác. Kinh tế đã khởi sắc và gia đình ông dần thoát đói nghèo.
Từ chỗ hộ nghèo chiếm gần 30% dân số, sau hơn 5 năm, với quyết tâm cao của cấp ủy đảng, cộng với tích cực khai hoang, cải tạo vườn tạp của người dân, Đâu Bình 1 đã chính thức xóa hết hộ nghèo.
“Đâu Bình 1 thực sự là một điểm sáng trong phong trào cải tạo vườn tạp, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Những cách làm hay, hiệu quả này, chúng tôi sẽ nhân rộng tại các thôn còn lại, tiến đến hoàn thành chương trình XDNTM kiểu mẫu”, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, ông Hoàng Liên Sơn nhấn mạnh.
Nghệ An: Nhiều vườn rau đầu vụ tăng giá gấp 3 lần
Chưa bao giờ người trồng rau ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại phấn khởi như bây giờ, bởi đầu vụ thu hoạch giá các loại rau đều tăng cao, đặc biệt hành hoa, cà chua giá tăng gấp 3 lần.
Nông dân Quỳnh Lưu vui mừng vì giá hành tăng cao. Ảnh: Việt Hùng
Với hơn 1.000 ha diện tích chuyên sản xuất rau màu, Quỳnh Lưu là “vựa” rau lớn nhất tỉnh Nghệ An, chuyên cung cấp sản phẩm đi khắp cả nước. Hiện, bà con đang thu hoạch một số rau đầu vụ năm 2019. Theo đó, hầu hết các loại rau đều tăng giá mạnh.
Anh Nguyễn Văn Châu xã Quỳnh Lương, cho biết, thời điểm này hầu như các loại rau đều tăng giá, cao nhất là hành hoa và cà chua. So với đầu năm ngoái, tăng gấp 3 lần.
Anh có 0,6 sào cà chua, sau Tết đến nay mới thu hoạch 700 kg, dự kiến, cuối tháng 3 sẽ thu hoạch xong; nếu ổn định, lãi gần 20 triệu đồng.Hiện, giá cà chua từ 10 - 12.000 đồng/kg, tăng 4- 5.000 đồng/kg, so thời điểm ra Tết, và cao gấp 3 lần so năm 2018
Với cây hành hoa, hiện đang khan hiếm, nên giá thu mua rất cao. Vì thế, thương lái "tranh mua" với giá 22.000 đồng/kg.
Bà Hồ Thị Hoa, xã Quỳnh Minh cho biết, mới chỉ đầu vụ mà hành hoa đã lên 22.000 đồng/kg là rất cao. Trong khi đầu vụ năm ngoái chỉ 5 - 7.000 đồng/kg; còn giữa vụ tháng 4 - 5 dương lịch, có thời điểm 3 - 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, diện tích hành có giá cao như vậy không đáng kể.
Nguyên nhân khiến hành hoa, cà chua tăng mạnh do trong năm mưa nhiều nên xuống giống chậm hơn, khi các địa phương khác chưa có sản phẩm thì các xã bãi ngang Quỳnh Lưu, nhiều diện tích hành hoa, cà chua đã cho thu hoạch, nên thương lái đều tập trung về đây thu mua, giá được “đội” lên.
Không chỉ hành hoa, cà chua, nhiều rau khác như cải ngọt, cải chíp, xà lách đều tăng giá lên 10.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg so giá ra Tết). Vừa thu hoạch lứa rau đầu vụ, bà con vừa tiếp tục xuống giống, chăm sóc các loại rau khác.
Hiện, các hộ chuyển dần rau ăn lá, sang trồng hành hoa để thích ứng thời tiết nắng nóng.
Tỏi Ba Đồn, được mùa mất giá
Tận dụng lợi thế khí hậu, đất đai, vụ đông-xuân năm 2018-2019, TX. Ba Đồn (Quảng Bình) tiếp tục trồng tỏi trên diện tích đất lúa kém hiệu quả. Nhờ chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, nên vụ đông-xuân, tỏi được mùa, song, giá thành lại thấp hơn so năm trước
Ông Toàn đang phơi tỏi, bảo đảm đúng kỹ thuật
Thôn Cồn Nâm là địa phương nằm giữa vùng cồn bãi, xã Quảng Minh, không sản xuất được lúa vì đất cát pha và nhiễm mặn. Vì vậy, xã chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích đất trồng tỏi.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tỏi Cồn Nâm cho biết: “Hiệu quả kinh tế từ trồng tỏi mang lại thời gian qua, vụ đông-xuân năm nay, người dân thôn Cồn Nâm tiếp tục đầu tư, với diện tích 17 ha (tăng 2,5 ha so năm 2018), có 90 hộ tham gia.
Ông Toàn cho biết: “Hiện, việc thu hoạch tỏi ở thôn Cồn Nâm cơ bản đã hoàn thành. Các hộ dân đang phơi tỏi bán cho thương lái. Dự tính, năng suất năm nay khá cao, khoảng 4.500-5.000 củ/sào (tương đương 1 tạ/sào, 100củ/ 1kg)”.
Tuy nhiên, mặc dù năm nay tỏi được mùa, năng suất cao, nhưng giá thành, đầu ra lại giảm. Tỏi loại đẹp chỉ 80 -100.000 đồng/100 củ; loại nhỏ 35 -50.000 đồng/100 củ, giảm khoảng 30-40% so năm ngoái.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế TX. Ba Đồn, năng suất tỏi tươi (phơi 3-5 ngày) bình quân 90,5 kg/sào (tương đương 1.810 kg/ha), giá bình quân 45.000 đồng/kg, khoảng 4,07 triệu đồng/sào, tương đương 81,5 triệu đồng/ha.
Ngoài tỏi, người dân còn trồng xen lạc, ớt… Giá trị kinh tế bình quân 2,4 triệu đồng/sào, tương đương 47,5 triệu đồng/ha.
Mặc dù giá tỏi năm nay giảm so năm ngoái, song, giá trị kinh tế vẫn cao hơn trồng cây lúa, trừ chi phí, người dân lãi hơn 2 triệu đồng/sào.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế TX. Ba Đồn cho biết: “Để khuyến khích người dân chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng tỏi, vụ đông-xuân năm nay, Thị xã tiếp tục hỗ trợ 5 triệu đồng/ha trồng tỏi cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm đầu ra, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói cho thương hiệu tỏi Ba Đồn”
Quỳnh Lưu: Người dân chặt rừng phi lao phòng hộ ven biển làm củi
Cây phi lao được coi là “lá chắn” chống triều cường, sạt lở cho vùng ven biển. Song, một số diện tích rừng phi lao phòng hộ ven biển xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang bị đốn hạ làm củi.
Cả một vạt rừng phi lao phòng hộ bị chặt trắng và cưa khúc làm củi. Ảnh: Anh Vũ
Chiều 12/3 chúng tôi có mặt tại xóm Tân Hải, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), thấy việc đốn hạ phi lao vẫn diễn ra nhộn nhịp trên diện tích hàng nghìn mét vuông. Hàng loạt cây phi lao cao lớn bị cưa thành từng khúc và được người dân vận chuyển về làm củi.
Theo một số người dân phản ánh, rừng phi lao Quỳnh Bảng có "tuổi thọ" trên 20 năm. Ngoài che chắn, bảo vệ người dân ven biển lúc bão gió, triều cường; rừng phi lao còn cải tạo đất, chống sa mạc hóa…
Khi trao đổi về vấn đề chặt phá rừng phi lao phòng hộ ven biển, ông Hồ Đình Quỳnh - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Bảng cho biết: “Chúng tôi chưa nắm được thông tin, xã sẽ cho người đi kiểm tra. Hiện, toàn xã còn khoảng gần 10 ha phi lao rừng phòng hộ, chủ yếu giao cho các nhóm hộ dân quản lý”
Thoát nghèo nhờ cải tạo vườn tạp; rau tăng giá; tỏi được mùa mất giá; chặt rừng phi lao phòng hộ ven biển làm củi, là tin tuần tại nhiều địa phương.