Khi phân tán và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, nhiều địa danh ở Quảng Trị coi như bị… xóa tên trên bản đồ.
Xã “43 tuổi” bị xóa sổ
Giữa lúc công việc chia tách, sáp nhập đang gấp rút tiến hành, trụ sở UBND xã Gio Thành vẫn hoạt động nhộn nhịp. Từ đầu giờ sáng đã có rất đông người dân đến giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ thừa hành chạy ngang chạy dọc rất cấp tập...
Từ phòng họp phía sau trụ sở vẫn vang vang tiếng chỉ đạo trong cuộc họp giao ban triển khai nhiệm vụ đầu tuần của nữ Bí Thư Phan Thị Lan. Bà sắp về hưu, cũng coi như người giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy cuối cùng trong lịch sử tồn tại 43 năm của xã này.
Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ nhắn, đơn sơ, không kịp pha ấm trà nóng vì công việc quá nhiều, Bà Lan bộc bạch: "Là người sinh ra và trưởng thành ở địa phương, chứng kiến nhiều biến cố lịch sử, cũng tiếc nuối vì mai này cái tên “Gio Thành” không còn nữa…”.
Chính cái tên gọi sau khi sáp nhập cũng là nỗi lo không nhỏ của bà trên cương vị là người lãnh đạo về mặt đường lối, chủ trương. Những cuộc họp đầu tiên vẫn có ý kiến phản đối trong cán bộ, đảng viên, lão thành vì khi ghép với xã lân cận phải theo tên của đơn vị có bề dày lịch sử hơn.
Sau khi sáp nhập, xã Gio Thành sẽ biến mất trên bản đồ
Đi sâu vào dân mới biết, giữa những thôn giáp ranh các xã lâu nay vẫn diễn ra tình trạng tranh chấp “lãnh thổ” một cách âm ỉ. Ví dụ thôn Tân Minh (Gio Thành) với thôn Lâm Xuân (Gio Mai); thôn Nhĩ Hạ (Gio Thành) và thôn 6 (Gio Hải).
Đáng nói việc tranh chấp này tuy không lớn nhưng huyện đã nhiều lần giải quyết vẫn không xong! Cho nên, theo bà Lan, sáp nhập lần này… tự nhiên giải quyết được điểm “nóng” âm ỉ này.
Gio Thành là một trong 21 đơn vị hành chính thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị) được cấu thành bởi 3 thôn: Tân Minh, Nhĩ Hạ và Nhĩ Trung. Đợt sắp xếp lần này xã Gio Thành “chia năm xẻ bảy” gộp với các địa phương lân cận.
35 cán bộ dôi dư về đâu?
Nữ lãnh đạo này cho rằng, việc thực hiện chủ trương sáp nhập không quá khó khăn, vì bước đầu dân đã đồng thuận theo chủ trương. Tuy nhiên, nỗi lấn cấn lớn nhất là dôi dư cán bộ. Họ bị mất việc, hay bố trí vào đâu?
Chuyện này không hề đơn giản bởi nó liên quan đến con người, lợi ích cá nhân, an sinh xã hội, danh dự bản thân, gia đình, dòng tộc. Biết đâu được sau một “biến cố” nghiêm trọng, những người thất sủng sẽ biến thành những cá nhân bất mãn!?
Xã Gio Thành đã có sẵn phương án cho những cán bộ có chức vụ, Bí thư và Chủ tịch HĐND sắp nghỉ chế độ, Chủ tịch UBND được luân chuyển; chức danh đứng đầu Mặt trận, Đoàn thể - Đại hội nhiệm kỳ này không cho bầu thêm mà cắt cử người kiêm nhiệm, phụ trách; một số chuyển sang địa phương lân cận.
Ở “trên” coi như đâu vào đấy, nhưng đáng lo nhất là mấy chục công chức, người làm bán chuyên trách ở “dưới” vẫn chưa biết được “ngày mai ra sao”. Hướng giải quyết cho bộ phận số đông này - bà Lan vẫn “chưa nhận được phương án nào”, đang chờ chỉ đạo từ cấp trên.
Bà Phan Thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Gio Thành
Bà Bí thư bày tỏ sự lo lắng với tương lai “cấp dưới”, bởi theo bà, nếu cho “về” trước tuổi thì phải có chế độ phù hợp, cũng phải làm công tác tư tưởng để họ cảm thấy thỏa mãn.
“Tại Quảng Trị, sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm 16 xã; số lượng cán bộ, công chức bố trí tại 17 xã, thị trấn được hình thành sau khi sắp xếp là 354 người. Sẽ dôi dư 129 cán bộ và 129 công chức; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 227 người”, Giám đốc Sở Nội vụ Hồ Ngọc An cho hay.
|
Ngoài chủ trương lớn của Đảng, nhà nước, rất cần những người có thẩm quyền nhìn nhận vấn đề con người dưới góc độ của bộ Luật Lao động, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Ở cấp tỉnh, Quảng Trị là một trong những địa phương từng kinh qua nhiều lần “khắc xuất”, “khắc nhập”. Những lần đó để lại không ít bồi hồi trong lòng các vị lão thành, kể cả phải xử lý “tên gọi mới” sao cho địa phương nào cũng cảm thấy mình còn tồn tại!
Từ năm 1979 đến nay, huyện Gio Linh đã 8 lần sáp nhập và chia tách các xã để phục vụ “tình hình mới”. Bài học để lại là công tác cán bộ, con người luôn là vấn đề đau đầu nhất.
Trương Khắc Trà