Tận cùng của nỗi khổ đau
Năm 2007, vợ chồng ông Phan Chí Lộc (SN 1950) và bà Nguyễn Thị Hòa đang mở cửa hàng kinh doanh điện máy tại căn nhà 3 tầng, địa chỉ số 69 Nguyễn Huệ, Phường 1, Thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thì xuất hiện nhiều người mặc cảnh phục công an đến nhà rồi đọc lệnh bắt tạm giam ông Lộc.
Lệnh bắt tạm giam số 03/LBBCTG-PC14, ngày 23/7/2007 có nội dung: ông Phan Chí Lộc đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản người khác có giá trị trên năm trăm nghìn đồng; phạm vào điều 139 Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Lệnh bắt tạm giam do Trung tá Nguyễn Đức Cảm – Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Quảng Trị ký tên và đóng dấu.
Sau khi được giải oan, ông Lộc không còn nhà để ở, không còn việc gì để làm ngoài việc viết đơn đi tìm lẽ công bằng ..
Qua 4 phiên tòa xét xử, ngày 22/7/2013 Tòa án Nhân dân Tối cao xử Giám đốc thẩm quyết định hủy án để điều tra lại. Quá trình điều tra lại Cơ quan CSĐT đã tích cực quyết liệt truy bắt các bị cáo liên quan, riêng ông Pham Chí Lộc được thả vì Cơ quan CSĐT không chứng minh được ông Lộc phạm tội. Đến ngày 22/1/2016 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Phan Chí Lộc với lý do đã hết hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm theo quy định tại điểm B khoản 2 điều 164 Bộ luật hình sự năm 2003.
Ngày 29/6/2017, bà Lê Thị Hồng Đào (Viện phó VKSND) đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Trị cùng đại diện chính quyền địa phương, ban ngành liên quan đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Lộc bà Hòa.
Tại buổi xin lỗi, Viện phó Lê Thị Hồng Đào nói: “VKSND tỉnh Quảng Trị chính thức xin lỗi cải chính công khai đối với ông Phan Chí Lộc và bà Nguyễn Thị Hòa vì đã khởi tố bắt giam và truy tố không đủ căn cứ pháp luật. Quá trình thực hiện nhiệm vụ những người tiến hành tố tụng đã áp dụng pháp luật thiếu chính xác dẫn đến việc ban hành các văn bản quyết định tố tụng không đúng với nội dung sự việc xảy ra làm oan đối với ông bà. VKSDN tỉnh Quảng Trị đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, cấp có thẩm quyền cũng đã xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra sai sót.”
Trước buổi xin lỗi công khai, VKSND tỉnh Quảng Trị đã làm thủ tục đăng 3 số báo Trung ương và báo Nhân dân và 3 số báo Quảng Trị để xin lỗi cải chính công khai đối với vợ chồng Lộc.
Gây oan sai cho người dân thì phải công khai xin lỗi là điều tất nhiên, tuy nhiên, trong trường hợp này việc khắc phục hậu quả không hề đơn giản khi mà nhiều tài sản, căn nhà, tương lai của 2 đứa con ông Lộc, … tất cả đã trở thành con số không.
Công an Quảng Trị bàn giao trực tiếp ngôi nhà của ông Phan Chí Lộc cho ngân hàng bán đấu giá.
“Hơn 11 năm, họ đã làm cho gia đình chúng tôi tan nát. Họ đổi trắng thay đen cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án để buộc tội oan cho tôi. Vợ chồng con cái phải mang tội danh lừa đảo ra đường mọi người xem thường khinh bị tránh xa gia đình tôi.” – ông Lộc thở dài.
Đồng thời ông Lộc cho biết thêm, “khi chưa bị bắt gia đình ông đã có cơ ngơi đầy đủ, nhà 3 tầng để ở, kinh doanh điện máy thắng lợi, hàng hóa, bạn hàng, … nay gia đình tôi sống vô gia cư, không nhà, không cửa, không ngành nghề sinh sống, hai con bỏ học đại học giữa chừng đi làm thuê nuôi miệng và trợ giúp bố mẹ trong hoàn cảnh khó khăn. Nay sao không thấy cơ quan nào nhắc đến?”
Được biết, sau khi Cơ quan chức năng công khai xin lỗi, ông Lộc đã yêu cầu Công an, VKSND tỉnh Quảng Trị xử lý nghiêm những cá nhân gây oan sai cho vợ chồng ông, đồng thời yêu cầu bồi thường những thiệt hại kéo dài trong 11 năm qua với số tiền tổng cộng hơn 53,4 tỷ đồng. “Trước mắt, họ phải trả lại căn nhà 69 Nguyễn Huệ cho chúng tôi”– ông Lộc nói.
Những khuất tất cần được làm rõ!
Số tài sản mà Công an tỉnh Quảng Trị kê biên lúc bắt tạm giam ông Phan Chí Lộc, đến tại thời điểm này Công an tỉnh Quảng Trị chưa trả lại cho ông, trong đó có căn nhà 3 tầng tại địa chỉ số 69 Nguyễn Huệ, TP Đồng Hà.
Theo ông Lộc, trước khi bị bắt, căn nhà 3 tần ở địa chỉ 69 Nguyễn Huệ đang được ông Lộc thế chấp tại ngân hàng BIDV. Hồ sơ thế chấp tại ngân hàng không thuộc diện nợ xấu khó đòi, lãi suất, luôn đóng đúng, đủ theo kỳ hạn.
Theo tài liệu thể hiện, trước đó ngày 23/7/2007 (tức ngày ông Lộc bị bắt tạm giam) dù chưa đến kỳ hạn trả nợ, nhưng không hiểu sao Chi nhánh Ngân hàng BIDV tại Quảng Trị lại có tờ trình số 06/CV-PGĐH gửi VKSND và Công an tỉnh Quảng Trị cho phép bán căn nhà trên của ông Lộc để thu hồi nợ vay, trong khi đó, ngày 26/07/2007, Trung tá Nguyễn Đức Cảm – Phó Cơ quan CSĐT mới ký lệnh kê biên căn nhà này của ông Lộc.
Từ tờ trình số 06/CV-PGĐH của CN Ngân hàng BIDV thì ngày 15/10/2007, ông Nguyễn Đức Cảm – Phó phòng Cơ quan CSĐT tỉnh Quảng Trị ký công văn số 267/PC14 đồng ý giao căn nhà số 69 Nguyễn Huệ của ông Phan Chí Lộc cho CN Ngân hàng BIDV tỉnh Quảng Trị bán đấu giá.
Điểm “lạ” trong tờ trình số 06/CV-PGĐH của ngân hàng là căn cứ vào tờ giấy đề nghị của vợ chồng ông Lộc, bà Hòa gửi đến ngân hàng vào ngày 19/7/2007 (tức trước lúc ông Lộc bị bắt giam 4 ngày), với nội dung: Gia đình kính đề nghị Ngân hàng nhanh chóng làm các thủ tục bán tất cả tài sản đang thế chấp để thu hồi nợ.
Theo ông Lộc: đây là tờ giấy có "vấn đề", vì nếu ký ngày 19/7 ông Lộc chưa bị bắt tạm giam, sao lại không có chữ ký. Thông tin trong tờ giấy qua sơ sài, không có thông tin địa chỉ, chứng minh thư nhân dân, ....
Theo ông Lộc, "tờ giấy đề nghị gửi ngân hàng là "vấn đề".... bởi nếu ký ngày 19/7 thì tại sao lại không có chữ ký của tôi, lúc đó tôi chưa bị bắt tạm giam. Đặc biệt, trong tờ giấy đề nghị này lại không thể hiện thông tin địa chỉ, chứng minh thư nhân dân, … của cá nhân tôi và vợ tôi thì lấy căn cứ ở đâu để ngân hàng chấp nhận?" Ông Lộc cho biết.
Qua nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với thông tin công văn số 1106/CV-QLRR ngày 30/12/2011 của Chi nhánh Ngân hàng BIDV trả lời cho ông Phan Chí Lộc thì giấy đề nghị của vợ chồng ông Lộc, bà Hòa gửi Ngân hàng ngày 19/7/2007 không có chữ ký của ông Lộc là vì … ngày 28/11/2007, bà Hòa mới được ông Lộc ủy quyền toàn quyền giải quyết tài sản và đã được cơ quan xác định. “Thật lố bịch, ngày 19/7 ký giấy đề nghị mà đã có giấy ủy quyền sau đó hơn 4 tháng.” – ông Lộc bức xúc.
Hiểu theo thông tin này thì ngày 19/7/2007 bà Hòa đơn phương viết đơn đề nghị vì ông Lộc đã có giấy ủy quyền .... sau đó hơn 4 tháng.
Việc ngày 28/11/2007, ông Lộc viết giấy ủy quyền trong trại giam cũng là một vấn đề "khuất tất" cần được cơ quan chức năng làm rõ, bởi theo ông Lộc, lúc đó ông bị ép viết (?). Thêm vào đó, giấy ủy quyền viết trong trại giam, nhưng lại không có cán bộ giám thị trại giam ký xác nhận mà lại đưa về cho ông Nguyễn Đức Cảm ký tên và đóng dấu để hợp thức hóa tài liệu giao tài sản cho ngân hàng bán đấu giá. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ như: thời gian tổ chức đấu giá; niêm phong tài sản, bàn giao tài sản, ...
Nhìn nhận dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Thái Văn Chung – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, “Công an tỉnh Quảng Trị không có quyền bàn giao tài sản đã kê biên của ông Phan Chí Lộc cho ngân hàng khi chưa có sự chấp thuận của vợ chồng ông Lộc hoặc nếu có sự chấp thuận do bị ép buộc không tự nguyện thì tất cả giao dịch liên quan đến tài sản đó cũng không có giá trị pháp lý.”
“Lẽ ra khi xác nhận căn nhà không liên qua đến vụ án thì Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị phải trả lại cho ông Lộc. Vấn đề vay mượn thế chấp là chuyện giữa ông Lộc và ngân hàng. Công an tỉnh Quảng Trị không nên trực tiếp bàn giao căn nhà của ông Lộc cho ngân hàng, nếu không có mục đích khác.” - Luật sư Chung nói.
Báo Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Thái Sơn