Hội thảo đã nghe một số diễn giả, “nhân chứng sống” kể lại các câu chuyện có thật liên quan đến tính chất thiêng liêng đặc biệt của Quảng Trị; đồng thời, làm rõ thêm về các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến các địa điểm của Quảng Trị.
Những nhân chứng kể lại nhiều câu chuyện linh thiêng và bí ẩn, đó là ông Nguyễn Hữu Thắng – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Trị với chủ đề “Có một cõi thiêng”, với một số câu chuyện tâm linh tiêu biểu: “Liệt sỹ cùng dự đua thuyền, viên gạch linh thiêng, xem phim cùng liệt sỹ và cụm tượng đài hình cánh tay liệt sỹ”.
Ông Hồ Tất Ái - nguyên Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, người đã có 22 năm gắn bó từ khi nghĩa trang bắt đầu được xây dựng chia sẻ một số mẩu chuyện ông đã chứng kiến tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, có nhiều sự tích mang tính huyền thoại và linh thiêng mà ông đã kể một số câu chuyện tâm linh có thật, tiêu biểu như: “Mạch nước ngầm phun ở hồ nước; Cây bồ đề thiêng ở Đài Tổ quốc ghi công; Cây bồ đề ở nhà khánh tiết; Chuyện tình cảm với người thân; Chuyện nhà khoa học; Chuyện thiết kế và xây dựng tháp chuông; Chuyện liệt sỹ về thăm đồng đội liệt sỹ; Chuyện nhà lãnh đạo của các tỉnh đến viếng”.
Quảng Trị là địa danh mà đã thành một “vùng đất thiêng”, điểm đến tri ân, niềm tự hào về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng, của nghĩa tình sâu nặng của đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên tính chất "đất thiêng" vẫn chưa được soi chiếu dưới nhiều góc độ, nhất là đối với lĩnh vực du lịch. “Đất thiêng" trở thành tên gọi thân thương của người dân cả nước dành cho Quảng Trị.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Quảng Trị trở thành tuyến lửa chứng kiến sự hy sinh, mất mát vô cùng to lớn của quân và dân ta. Mỗi tấc đất nơi đây hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn; hàng vạn người con ưu tú của mọi miền đất nước đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất này vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những tên đất, tên làng như Thành Cổ, Hiền Lương, Bến Hải, Vịnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh, Tà Cơn, Cửa Việt… đã đi vào lịch sử dân tộc làm lay động lương tri nhân loại, mãi mãi là những bản anh hùng ca bất tử.
Đến với Quảng Trị, mỗi người sẽ hiểu hơn sự khốc liệt, bạo tàn của chiến tranh, hiểu hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, tưởng niệm, tri ân những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh. Đến Quảng Trị, mỗi người sẽ có thêm nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống.
Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao về ý nghĩa của việc Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội thảo. Các ý kiến tham gia Hội thảo, tham gia Famtrip lần này sẽ là tiền đề quan trọng, để trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị tổ chức những nghiên cứu chuyên sâu hơn trong việc phát triển du lịch Quảng Trị nói chung, phát triển sản phẩm du lịch đêm nói riêng. Không chỉ vấn đề “đất thiêng” cần được “giải mã”, sáng tỏ dưới nhiều góc độ, rất nhiều trầm tích văn hóa của tỉnh Quảng Trị phải được giải mã, phân tích, làm rõ hơn để qua đó vừa làm giàu đẹp hơn cho đời sống tinh thần nhân dân, vừa phục vụ phát triển du lịch, góp phần đưa kinh tế tỉnh Quảng Trị phát triển. Đặc biệt, thông qua Hội thảo này để tăng cường tính liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc, kết nối sản phẩm tour du lịch đến với những địa chỉ tâm linh và thiêng liêng này với các sản phẩm của địa phương khác để xây dựng các chương trình, tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch có góc nhìn mới lạ và hấp dẫn du khách.