Xuyên đêm trộm cát
Với sự hỗ trợ, giúp sức của người dân địa phương, khoảng gần 0h ngày 18/7, PV cùng một số đồng nghiệp men theo con đường nhỏ, đi dọc sông Hiếu để thâm nhập hiện trường, theo dõi “cát tặc”.
“Cát tặc” hoạt động xuyên đêm trên sông Hiếu (ảnh chụp rạng sáng 18/7)
Đứng trên cầu vượt sông Hiếu (đang thi công) nhìn lên phía cầu Đông Hà trong tầm chưa đầy 30 phút, PV nhận thấy rất nhiều tàu di chuyển liên tục như “binh đoàn”. Màn đêm yên tĩnh bị “xé toang” bởi tiếng động cơ “gầm rú” vang cả một khúc sông. Các tàu này hút cát từ ngã ba Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong). Tàu nào “no” cát thì di chuyển để nhường chỗ cho tàu khác. Sau đó các tàu đi lên 2 bãi tập kết các cạnh cầu vượt. Ở đây, các “vòi rồng” thi nhau đưa cát lên bờ. Điều đáng nói là cả 2 bãi này điều không phép, một bãi ở phường Đông Giang và một bãi ở phường 2- TP. Đông Hà.
Tầm 2h sáng, PV di chuyển đến một bãi tâp kết cát ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương cách TP. Đông Hà chưa đầy 5km và gần cầu Đại Lộc bắc qua sông Thạch Hãn. Đây là bãi của Công ty Hiếu Vân của ông Lê Xuân Hiếu. Dù xung quanh là nhà dân, ánh đèn điện rất nhiều nhưng hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra như chốn không người. Dưới sông, khoảng 3-5 người đàn ông soi đèn pin hỗ trợ vận hành tàu. Cát liên tục được hút lên bờ, chất thành đống to...
“Vòi rồng” đưa cát lậu lên bãi tập kết (ảnh chụp lúc 3h sáng 18/7)
Lúc 3h sáng, PV di chuyển đến khu vực được gọi là cồn nổi (một bên bờ thuộc xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong và một bên thuộc khu phố 5, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà). Tại đây, ít nhất 3 tàu lớn “gầm rú”, hút cát liên tục. Thấy nhóm PV đang chụp ảnh, quay video rồi di chuyển, một đối tượng lạ mặt bất ngờ đi xe máy bám theo. Phải rất vất vả, nhóm PV mới cắt đuôi được.
Theo người dân địa phương, “cát tặc” hoạt động tầm vào khoảng 22h đêm đến 4-5h sáng hôm sau. Mỗi thuyền chở từ 15-20m3 cát. Tiếng động cơ xuyên đêm khiến người dân không thể ngủ được. Đất đai thì ngày càng sạt lở... Điều đáng nói là những nơi “cát tặc” lộng hành chỉ cách trung tâm TP. Đông Hà chỉ vài km.
Đến 4h30 rạng sáng cùng ngày, nhóm PV quay lại các điểm đã kể trên và đúng như người dân phản ánh, tất cả vẫn khai thác bình thường thậm chí tiến độ được đẩy nhanh hơn. Lúc này cát được tập kết lên trên bờ nhiều hơn... Đến tầm 6h-7h sáng, nhiều xe tải nối đuôi nhau chở cát từ bãi tập kết đi tiêu thụ khắp nơi. Ban ngày thì “cát tặc” không hoạt động, chỉ chờ màn đêm buông xuống lại “ra tay”.
Việc khai thác “cát lậu” diễn ra nhức nhối từ nhiều năm qua tại Quảng Trị gây nên bao hệ lụy khiến người dân địa phương rất bất bình. Thậm chí, ở một số tuyến đường mà “cánh” xe tải thường xuyên lưu thông như ở phường Đông Giang và xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong), người dân còn mang gốc cây, vật cản đường ra để chặn lại không cho xe tải qua về...
Đường sá ô nhiễm, xuống cấp do xe chở cát
Cũng theo tìm hiểu, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các thuyền khai thác cát trái phép tại sông Hiếu và ngã ba Gia Độ còn gắn thêm các thiết bị, bộ phận giảm âm thanh vào các máy khai thác. Điều này cho thấy “cát tặc” ngày càng trở nên tinh vi, manh động hơn.
Lệnh cấm vô tác dụng?
Qua tìm hiểu của PV, hiện trên các tuyến sông lớn ở tỉnh Quảng Trị như sông Hiếu, sông Thạch Hãn phía hạ nguồn tập trung khoảng 50 bãi tập kết cát sỏi (trong đó chỉ có hơn 10 bãi có giấp phép), khoảng gần 50 phương tiện thủy khai thác cát sỏi. Trên các sông ở tỉnh Quảng Trị cũng chỉ có 3 mỏ khai thác cát. Thời gian vừa qua, do nhu cầu xây dựng lớn và lợi nhuận “cát lậu” tăng cao nên vấn nạn khai thác cát trái phép tại tỉnh Quảng Trị diễn ra hết sức phức tạp và nhộn nhịp như trên.
Các bãi tập kết đã kể trên không được đơn vị nào cấp phép, không có giấy phép bến thủy nội địa, có dấu hiệu vi phạm về việc hợp thức hóa khối lượng khi không chứng minh được nguồn gốc đầu vào.
Dù lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn rầm rộ
Theo lý giải của các lực lượng thì các “cát tặc” lách luật, khai thác dưới 50m3 để không bị xử lý hình sự; có đội quân theo dõi lực lượng chức năng. Khi bị truy quét, các đối tượng liền trút cát xuống sông, bỏ chạy. Người vi phạm chủ yếu là người dân vạn đò, không có nghề nghiệp ổn định, trình độ còn hạn chế nên có sự liều lĩnh và có nhiều phương án đối phó.
Được biết, cuối tháng 5 vừa rồi, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã đích thân đi kiểm tra tình hình khai thác cát, sỏi cũng như sạt lở hai bên bờ sông Hiếu và sông Thạch Hãn.
Ông Chính yêu cầu cơ quan chức năng nếu phát hiện có sai phạm như bến bãi trái phép, tàu không đăng ký, khai thác khoáng sản trái phép thì phải xử phạt, đình chỉ, tịch thu. Không thể để xảy ra tình trạng đẩy đuổi chỗ này lại chạy đến chỗ khác được, đậu ban ngày rồi ban đêm khai thác lậu....
Bất chấp lệnh cấm, bãi tập kết cát của ông Nguyễn Đức Khánh vẫn hoạt động
Ông Chính cũng đã đến xử lý 2 bãi tập kết không phép ở gần cầu vượt sông Hiếu như PV đã thâm nhập ở trên, trong đó có bãi của ông Nguyễn Đức Khánh (SN 1979, phường Đông Giang) đã bị xử phạt và người dân phản ánh rất nhiều lần. Tuy nhiên cả 2 bãi đến nay vẫn “lờn luật” và khai thác rầm rộ...
Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã chỉ đạo Phòng CSGT, Phòng CSMT và Công an các địa phương thường xuyên tuần tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép; bắt quả tang, xử phạt hành chính nhiều trường hợp. Đêm khuya, rạng sáng, người dân phát hiện khai thác cát sỏi liền điện báo lãnh đạo, công an. Nhưng “cát tặc” vẫn nóng...
“Vừa rồi tôi có thấy lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra nạn khai thác cát trên các dòng sông, trong đó có sông Hiếu. Chúng tôi đã phản ánh, kiến nghị lên cấp trên rất nhiều lần rồi nhưng vẫn không có gì tiến triển. Chúng (cát tặc) vẫn ngang nhiên hút cát trái phép vào ban đêm, có sợ cấm gì đâu. Tôi thấy nhiều nơi cấm được nhưng Quảng Trị lại làm không được...”, một người dân chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Chính cho hay vấn đề này đã được lãnh đạo tỉnh lên phương án và giao cho anh Hà Sỹ Đồng- Phó Chủ tịch tỉnh giải quyết...
PV tiếp tục liên lạc với ông Hà Sỹ Đồng, ông Đồng cảm ơn sự vào cuộc của báo và thông tin rằng, tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo và xử lý. “Ngay sau chiều 18/7, họp hội đồng xong tôi sẽ cho anh em xử lý ngay...”, ông Đồng nói.
Như vậy, dù đã ra lệnh cấm nhưng các đối tượng khai thác cát vẫn ngang nhiên hoạt động xuyên đêm. Liệu có sự bao che, dung túng nào cho “cát tặc” hay không?.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.