Để có tiền trả lại khoản nợ vì mượn nộp làm nhà chính sách, vợ chồng chị Dương phải chắt chiu từng đồng từ việc bán mấy sào sắn
Thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) hiện có 87 hộ, với 352 khẩu. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu dựa vào cây sắn và chăn nuôi nhỏ lẻ.
Đặc biệt đến giờ nơi này vẫn chưa có cầu bắc qua sông. Bà con trong bản muốn giao liên với bên ngoài hay các em học sinh muốn đến trường... chỉ có cách dùng phao hoặc chống gậy lội qua sông.
Trong số 52 hộ nghèo của thôn thì có 25 hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở. Nhiều hộ dân ở đây cho biết chỉ ao ước có một ngôi nhà để che mưa, tránh nắng vì đa phần nhà của bà con đều đã dột nát hết mọi bề.
Đã nghèo... lại đèo thêm nợ
Theo phản ánh của nhiều hộ dân trong thôn A Liêng, vào đầu tháng 4/2017, ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Tà Rụt đến địa bàn thôn khảo sát nhà ở của những hộ thuộc diện hộ nghèo đang bị xuống cấp, dột nát và bảo với mọi người trước mắt sẽ tạo điều kiện giúp đỡ để 14 hộ trong thôn được hỗ trợ xây nhà chính sách, trị giá mỗi ngôi nhà từ 60 - 70 triệu đồng. Nếu hộ nào muốn có nhà sớm thì phải nộp 3,5 triệu đồng và đến khoảng tháng 7/2017 sẽ bàn giao nhà. Đồng thời quy định trước ngày 24/5/2017 phải hoàn thành số tiền này cho ông ấy. Hộ nào không có thì chưa làm hồ sơ.
Vì ông Dũng là cán bộ xã, lại công tác tại địa phương cũng đã gần 20 năm nay nên bà con rất tin tưởng. Khi nghe ông Dũng nói thế, mặc dù trong túi chẳng có đồng nào nhưng các hộ đều cố gắng chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền của người thân hay vay nhóm tiết kiệm - tín dụng để gom đủ 3,5 triệu đồng theo yêu cầu.
Vì lý do không lội qua sông để thu khoản tiền này được nên ông Dũng giao cho ông Hồ Minh Riêng (SN 1978) - Trưởng thôn A Liêng thu giúp.
Sau đó, ông Riêng thu tiền của 11 hộ, được 38,5 triệu đồng. Còn 9 triệu đồng của 3 hộ còn lại thì do ông Dũng trực tiếp thu.
Chị Hồ Thị Dương (SN 1995, trú tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt) kể lúc nghe ông Dũng hứa hẹn chỉ 3 tháng sau là sẽ có nhà ở nên chị cùng chồng là anh Hồ Văn Roong (SN 1994) liền vội đến nhà cô ruột mượn tiền để có nộp cho Dũng.
Vợ chồng chị kết hôn đã hơn 2 năm nhưng vì không có nghề nghiệp, nguồn thu nhập chính chỉ dựa vào vài ba sào sắn nên đến giờ vẫn chưa có điều kiện tách hộ ra ở riêng, phải sống cùng với bố mẹ và đàn em trong căn nhà sàn èo ọp, chật chội.
“Lúc đầu ông Dũng bảo vợ chồng tôi rằng đến tháng 7 là có nhà mới để ở nên chúng tôi vui lắm. Vậy mà đến tháng 10 rồi vẫn chưa có nhà nên tôi bảo chồng tôi gọi điện hỏi ông Dũng xem thế nào, nhưng gọi mãi ông ấy vẫn không bắt máy. Hai vợ chồng đã cực khổ, không có tiền, giờ còn đèo thêm khoản nợ nữa, biết khi nào mới trả xong”, chị Dương chia sẻ.
Cũng đồng hoàn cảnh với vợ chồng chị Dương, vợ chồng anh Hồ Văn Đót (SN 1989) sau khi nghe tin đã đi vay nhóm tiết kiệm 3,5 triệu đồng để nộp. Hiện hai vợ chồng cũng không biết xoay tiền đâu để trả cả gốc lẫn lãi cho khoản vay này.
Lãnh đạo xã “cố tình” trốn báo chí?
Theo lời Trưởng thôn Riêng, sau khi nhận đủ số tiền 47,5 triệu đồng, ông Dũng đưa lại cho ông Riêng 5,5 triệu đồng bảo cầm lấy uống nước.
“Lúc đó cứ nghĩ mình đã giúp cán bộ Dũng hoàn thành công việc, vừa giúp bà con nhanh có nhà kiên cố để ở nên tôi chẳng mảy may suy nghĩ cầm số tiền ấy. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy làm nhà chính sách cho các hộ nghèo nên tôi đã làm đơn gửi lên UBND xã thắc mắc. Sau đó mới vỡ lẽ xã không hề có chủ trương này nên tôi đã mang 5,5 triệu đồng trả lại cho 11 hộ mà mình trực tiếp thu” - ông Riêng trần tình.
Cũng theo ông Riêng, ngay sau khi có đơn của người dân, chính quyền xã cùng Công an huyện Đakrông đã về thôn tìm hiểu vụ việc và xác nhận thông tin 14 hộ nghèo đã nộp 47,5 triệu đồng cho ông Dũng. Bản thân ông Dũng cũng đã thừa nhận hành vi tự ý thu tiền của mình và cam kết hoàn lại tiền vào ngày 4/12, nhưng đến thời điểm hiện tại người dân vẫn chưa nhận được số tiền này.
Để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc và làm rõ trách nhiệm của bên liên quan, ngay đầu giờ chiều ngày 12/12, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã đến trụ sở xã Tà Rụt để liên hệ công tác. Mặc dù đang trong giờ hành chính nhưng tất cả phòng của các cán bộ chủ chốt từ bí thư đảng ủy đến chủ tịch xã, 2 phó chủ tịch đều khóa ngoài và không có ai. Sau đó phóng viên nhận được câu trả lời của một vị công an viên rằng cả ngày hôm nay lãnh đạo đều không đến ủy ban với lý do người thì bị ốm, người thì đi công tác, còn trưởng công an xã cũng không rõ đi đâu.
Phóng viên tiếp tục gọi vào số điện thoại của ông Hồ Văn Nhiếp - Chủ tịch UBND xã Tà Rụt nhiều cuộc nhưng không liên lạc được hoặc không bắt máy. Phải chăng sự “vắng mặt” liên tiếp của lãnh đạo xã thực chất là “né tránh” trả lời báo chí?
Được biết, vụ ông Nguyễn Văn Dũng – cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Tà Rụt lừa tiền của người dân đang được Công an huyện Đakrông thụ lý, điều tra.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này đến bạn đọc.