Quảng Trị bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội 

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trở thành lực lượng lãnh đạo đất nước, trong các Nghị quyết và Cương lĩnh của Đảng đều nhất quán chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Quảng Trị bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đều đề ra mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân dân, dân chủ và khoa học, đồng thời đề cập đậm nét việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội”…

        Xác định được tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển, là một tỉnh có bề dày trầm tích lịch sử văn hóa, Đảng bộ Quảng Trị luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế xã hội nói riêng. Nằm giữa dãi đất miền Trung với vị trí chiến lược trọng yếu, nơi diễn ra nhiều cuộc đối đầu lịch sử, nơi giao thoa của các nền văn hóa, trải qua quá trình đấu tranh và xây dựng đã để lại cho Quảng Trị nhiều di sản văn hóa truyền thống có giá trị, với gần 500 di tích danh thắng đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 04 di tích quốc gia đặc biệt (gồm 30 điểm di tích thành phần), 21 di tích quốc gia (gồm 30 điểm di tích thành phần) và 476 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích đồ sộ đó có giá trị to lớn trong công tác giáo dục truyền thống đối với thế hệ hôm nay và mai sau cũng như góp phần phát triển du lịch hồi tưởng, du lịch hoài niệm, thu hút, hấp dẫn các du khách, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước.

Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, tỉnh đã từng bước xây dựng, hình thành các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, con người Quảng Trị có lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, hướng dến mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề tài khoa học Cấp tỉnh “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển”. Đề tài đã phân tích, làm rõ các phẩm chất đặc trưng của con người Quảng Trị; chỉ ra những hạn chế của con người Quảng Trị do ảnh hưởng của các biến cố lịch sử và văn hóa vùng miền; đề xuất các giải pháp phát huy phẩm chất tốt đẹp của người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Việc giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh cũng đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ…

Trong công tác bảo tồn di tích, việc thực hiện lập hồ sơ khoa học và pháp lý được tỉnh chú ý triển khai. Đến nay, số di tích xếp hạng cấp tỉnh được bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học và pháp lý là: 135/476 di tích. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 75/476 di tích cấp tỉnh được đặt bia, biển, xây dựng đài tưởng niệm, lưu niệm. Trong giai đoạn 2013 - 2020, các di tích Thành Cổ Quảng Trị, Nhà đày Lao Bảo, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được đầu tư tôn tạo với tổng vốn đầu tư 75.100 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước 30.928 triệu đồng, nguồn xã hội hóa 44.172 triệu đồng; có 04 hồ sơ di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt (Thành Cổ Quảng Trị và Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh). Đã hoàn thành 05 hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, trong đó có 01 di tích đã được xếp hạng (Di tích các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626).

Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 32.000 tài liệu hiện vật gốc, phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham quan, học tập của người dân trong tỉnh cũng như du khách gần xa, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho mọi người nhất là đối với thế hệ trẻ.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy giá trị như: Hội cù ở xã Gio Mỹ; Chuyện trạng Vĩnh Hoàng, Hò Như Lệ, Hội Bài chòi... UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2023, đồng thời, chuẩn bị các bước xây dựng đề án sưu tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các điệu hò Quảng Trị, tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát triển Nghệ thuật Bài chòi từ tỉnh đến cơ sở…

Quảng Trị có 27 lễ hội với 3 loại hình chính (lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội Cách mạng và lễ hội tôn giáo), là địa phương được Bộ VH,TT&DL đánh giá cao về công tác quản lý và tổ chức thành công các hoạt động lễ hội. Đặc biệt lễ hội Cách mạng được tỉnh đầu tư tổ chức với quy mô ngày càng lớn, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp Nhân dân và bạn bè quốc tế (Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, Lễ Tri ân tháng 7, Lễ hội nhịp cầu xuyên Á)…Thông qua các lễ hội, tỉnh đã thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh Quảng Trị đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Công tác bảo tồn, huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Trị luôn được quan tâm, đạt được kết quả khả quan. Đối với văn hóa vật thể, tỉnh đã tiến hành cải tạo, nâng cấp và phục dựng hàng chục ngôi nhà theo lối kiến trúc truyền thống. Năm 2013, dự án bảo tồn bản cổ truyền thống thôn Kalu tại xã ĐaKrông, huyện ĐaKrông được quan tâm đầu tư với tổng kinh phí hơn 21,9 tỷ đồng. Đối với văn hóa phi vật thể, tỉnh đã tiến hành điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Pa Kô và Bru - Vân Kiều; bảo tồn và phát triển 3 loại hình gồm: Lễ và lễ hội; (gồm: lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần làng, lễ đâm trâu); Nghệ thuật truyền thống (gồm có Dân Ca, dân vũ, dân nhạc); Các ngành nghề truyền thống (dệt, đan lát, bài thuốc dân gian truyền thống).

 Bảo tàng tỉnh đã tiến hành nhận diện, điều tra thống kê các di sản văn hóa phi vật thể của 2 tộc người Pa Kô, Vân Kiều; sưu tầm hàng ngàn hiện vật là đồ dùng thủ công truyền thống, đồ gia dụng, công cụ sản xuất, nhạc cụ (bộ gõ, bộ hơi, bộ dây), trang phục, trang sức và các loại hình hiện vật săn bắn, hái lượm phục vụ công tác trưng bày nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Việc truyền dạy việc chế tác và sử dụng nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như: Calơi, Chachấp, Oát, Xà nớt...; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm “Trường ca dân tộc PaCô” được triển khai; nổi bật là xây dựng các đội văn nghệ và các Câu lạc bộ văn hoá văn nghệ dân gian. Tỉnh cũng đã tích cực thống kê, rà soát, xét chọn tại các Hội đồng cấp cơ sở đề nghị nhà nước công nhận nghệ nhân ưu tú của 2 dân tộc PaKô và Vân Kiều; thực hiện một số chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện cho họ truyền dạy và thực hành di sản văn hóa thông qua các đợt tập huấn tại địa phương, tham gia giao lưu ở khu vực và tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Việc giữ gìn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Vân Kiều và PaKo cũng được tỉnh coi trọng…

Việc gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch được triển khai qua việc xây dựng quy hoạch phát triển các khu du lịch và lập các dự án đầu tư vào Khu dịch vụ làng Vây, Khu dịch vụ - du lịch Klu (Đakrong), Khu dịch vụ, du lịch nghĩa trang quốc gia Trường Sơn...; đẩy mạnh khai thác phát triển du lịch chuyên đề Du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Cùng với đó, đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị công bố, giới thiệu quảng bá các chương trình, các tuyến, điểm du lịch có thế mạnh trên địa bàn miền Tây của tỉnh ở Lào, Thái Lan, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lớn khác. Mở rộng quan hệ liên kết, hợp tác phát triển du lịch trên địa bàn với các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh khu vực miền trung Việt Nam…

Bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là nguồn kinh phí còn khó khăn nên việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử và văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa tương xứng với vị thế của di tích; nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh chưa được tu bổ kịp thời, dẫn đến tình trạng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng; phần lớn di tích cấp tỉnh được xếp hạng đặc cách nên chưa hoàn thiện hồ sơ khoa học và pháp lý. Việc gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung đã được triển khai nhưng quy mô còn nhỏ, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

 Để xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế xã hội, trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh Quảng Trị.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, triển khai các dự án trùng tu tôn tạo các di tích, đảm bảo tiến độ và chất lượng, đồng thời tiến hành khảo sát, xây dựng các dự án mới. Tập trung hoàn thiện công tác lập hồ sơ khoa học và pháp lý cho hệ thống di tích đã được xếp hạng đặc cách.

 Kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý di tích từ tỉnh đến cơ sở theo hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh. Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, thu hút cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhất là đối với nghệ sĩ tài năng, nghệ nhân dân gian và cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn hóa có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Trị.

 Tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân trong công tác tôn tạo di tích, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động sức dân là chính”. Xây dựng các đề án xã hội hóa trong công tác bảo tồn tôn tạo di tích gắn với khai thác phát triển du lịch – nhất là các di tích quốc gia đặc biệt có lợi thế; Mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng liên kết hợp tác, hình thành các điạ chỉ du lịch hấp dẫn gắn với di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tạo lập sự hài hòa giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới với bảo vệ di sản văn hóa và phong trào xây dựng di sản văn hóa cơ sở. Hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư, xã hội hóa trong công tác khai thác và phát huy giá trị di tích.   Tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp nhằm khuyến khích bảo tồn các giá trị văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

 Có chương trình, kế hoạch xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học về kho tàng văn hoá dân gian các dân tộc Quảng Trị. Phổ biến kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập, phát triển” đến các ủy Đảng, cơ quan, trường học… Từng bước đưa đề tài vào thực tiễn cuộc sống để xây dựng và phát huy nhân tố con người Quảng Trị trong thời kỳ mới. Phấn đấu xây dựng con người Quảng Trị phát triển về thể chất, trí tuệ, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp phù hợp với các đức tính của con người Việt Nam “yêu quê hương đất nước, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc, có sức khoẻ và tri thức, có ý chí, nghị lực và niềm tin, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất, sống biết chia sẻ, trọng nghĩa tình, tôn trọng pháp luật và quy ước cộng đồng”. Cùng với đó, thường xuyên, kiên trì đấu tranh phê phán, đẩy lùi các hành vi sai trái, tiêu cực làm tha hóa con người, xuống cấp về đạo đức, lối sống, ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Trị.

Di sản văn hóa là tài sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau theo hướng tích lũy trong môi trường văn hóa. Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế xã hội ngày càng trở nên quan trọng. Từ những thành quả đã đạt được, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa và thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển, đi lên /.

                                                                          Phạm Minh Quốc

4868 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1206
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1206
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87162152