Năm 2025 giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5%
Tỉnh Quảng Trị đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 5% vào năm 2025 và 4% vào năm 2030; trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp vào năm 2025 và trên 95% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em xuống dưới 4,5% vào năm 2025 và xuống dưới 4% vào năm 2030. Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9% vào năm 2025 và xuống 4,5% vào năm 2030.
Tỉnh cũng đặt chỉ tiêu giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 550/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 500/100.000 vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống còn 16/100.000 trẻ em vào năm 2025 và xuống còn 15/100.000 vào năm 2030. Phấn đấu 100% trẻ em gặp thiên tai, thảm họa được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn, duy trì mức giảm số cuộc tảo hôn từ 2 đến 3% hằng năm giai đoạn 2025 - 2030. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 99,5% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.
Đối với mục tiêu về phát triển toàn diện và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, tỉnh Quảng Trị phấn đấu có 75% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em vào năm 2025 và 89% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Duy trì trên 95% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi đến năm 2030. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 97% vào năm 2025 và 98% vào năm 2030; 98% trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine vào năm 2030…
Quảng Trị cũng đặt chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt 99,1% vào năm 2025 và 99,3% vào năm 2030. Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh, sinh viên khuyết tật đạt 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030: tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030. Đến năm 2025, có 40% xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em và đạt 45% vào năm 2030...
Về mục tiêu tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, Quảng Trị phấn đấu 30% trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Triển khai các giải pháp đồng bộ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Trị đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo đảm việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó là hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Tỉnh cũng sẽ tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em, trong đó có vận động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em, các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn và tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Xây dựng, hướng dẫn, thực hiện và phát triển các mô hình phát triển toàn diện trẻ em, dịch vụ bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em các cấp, các ngành, các tổ chức, đặc biệt là cấp cơ sở; cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Đồng thời phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan củng cố hệ thống cơ sở, mô hình cung cấp dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em; chủ trì, phối hợp thực hiện các khảo sát, điều tra, nghiên cứu về trẻ em, tình hình xâm hại trẻ em và các tác động đến việc thực hiện quyền trẻ em.