Hệ thống đê điều tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài 181,45km gồm: đê biển 11,17km; đê cửa sông 57,43km; đê bao 58,15km và đê chuyên dùng 54,70km. Trước tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã và đang khẩn trương thực hiện các phương án khắc phục các hư hỏng, sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trước, trong mùa mưa, lũ... Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn nên công tác khắc phục vẫn còn nhiều hạn chế.
|
Quảng Trị thường xuyên quan tâm duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết, trong những năm qua, công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh chủ yếu kết hợp qua các dự án sửa chữa, nâng cấp các tuyến đê sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ với tổng chiều dài hơn 150,68 km, tập trung chủ yếu ở các tuyến đê: đê biển Vĩnh Thái, đê cửa sông Bến Hải và sông Thạch Hãn, đê cát Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh. Tuy nhiên, hiện nay, qua quá trình khai thác, hệ thống đê điều hầu hết bị xuống cấp, cùng với sự tác động của thiên tai làm cho tình trạng hư hỏng càng trở nên nghiêm trọng, giảm khả năng phục vụ của công trình.
Hàng năm, nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ cho công tác nâng cấp, sửa chữa các công trình đê điều, đã giúp địa phương từng bước khắc phục một số vị trí hư hỏng khẩn cấp; ngoài ra việc duy trì tu bổ, sửa chữa và xử lý các hư hỏng cần được địa phương bố trí ngân sách thường xuyên, định kỳ để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tiễn nguồn ngân sách của tỉnh rất hạn chế nên chỉ tập trung việc gia cố, sửa chữa, bảo trì các hư hỏng, sự cố nhỏ; trong khi nhu cầu về duy tu, sửa chữa các tuyến đê trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn. Vì vậy, công tác duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố đê điều còn bị động, chưa đồng bộ, khép kín và hiệu quả sau đầu tư chưa cao.
Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; trong đó, đã đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, bảo vệ tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và Nhân dân; hình thành các tuyến giao thông quan trọng phục vụ nhu cầu dân sinh kết hợp công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão; cải thiện diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi góp phần hoàn thành các tiêu chí về thủy lợi, giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, để tiếp tục hoàn thiện pháp lý trong lĩnh vực đê điều nhằm chủ động trong công tác sửa chữa, khắc phục kịp thời hư hỏng, sự cố đê điều đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; UBND tỉnh Quảng Trị đã trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết phê duyệt nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng, xử lý cấp bách sự cố đê điều hệ thống đê điều do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh, dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023.
Các nội dung về duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố đê điều được xây dựng trên cơ sở bám sát thực trạng đê điều trên địa bàn tỉnh và khả năng cân đối bố trí ngân sách của địa phương nhằm cụ thể hóa các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai, đê điều và Thông tư số 68/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều.
Cũng theo đồng chí Hà Sỹ Đồng, Nghị quyết sau khi được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ công tác xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố cấp bách về đê điều nhằm huy động tối đa các nguồn lực, đồng thời chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương triển khai thực hiện.
Theo đó, hàng năm, ngân sách địa phương chi duy tu, bảo dưỡng đê điều cho một số nhiệm vụ chính như: việc cải tạo, sửa chữa, gia cố mặt đê; đường gom, đường hành lang chân đê, dốc lên xuống đê trong phạm vi bảo vệ đê điều; sửa chữa và trồng cỏ mái đê; cơ đê, chân đê và mái kè; đắp đất, trồng cây chắn sóng; khảo sát, phát hiện, xử lý mối và các ẩn họa trong than. Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá chất lượng cống dưới đê; kiểm tra hiện trạng kè bảo vệ đê, tu sửa các hư hỏng ở kè; bổ sung, sửa chữa các công trình phục vụ việc quản lý, bảo vệ đê điều; cột mốc, cột chỉ giới, cột thủy chí, thiết bị quan trắc, bãi chứa vật tư phòng, chống thiên tai... và chi cho việc xử lý các sự cố cấp bách đê điều như: sạt trượt mái đê, mái kè, nứt đê, sụt lún, rò rỉ, hưng hỏng cống qua đê.../.