Chiều 24/4, Trạm quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Vao thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, đóng tại địa bàn xã A Vao, huyện Đakrông cho biết đơn vị vừa cấp cứu kịp thời hai trẻ nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 23/4, hai chị em ruột là Hồ Thị Soang (9 tuổi) và Hồ Thị Sen (6 tuổi) trú tại bản Pa Ling, xã A Vao, được đưa đến Trạm quân dân y kết hợp cấp cứu. Qua thăm khám, hai trẻ có dấu hiệu nôn, đau bụng dữ dội. Đặc biệt, cháu Hồ Thị Sen có dấu hiệu nặng hơn.
Ngay sau đó, các cán bộ, chiến sỹ quân y của Trạm quân dân y kết hợp đã tiến hành hồi sức cấp cứu, gây nôn, tiêm trợ tim và truyền dịch cho hai trẻ. Đến ngày 24/4, sức khỏe của hai trẻ đã ổn định nên được cho về nhà tiếp tục theo dõi.
[6 người trong gia đình nhập viện vì ăn phải nấm độc, 1 người tử vong]
Theo gia đình nạn nhân, hai trẻ nghi bị ngộ độc là do ăn trúng nấm độc. A Vao là một xã miền núi biên giới phía Tây của huyện Đakrông có địa hình, kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô và Vân Kiều sinh sống. Do đường sá xa xôi, hẻo lánh nên Trạm quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng là địa chỉ tin cậy của bà con mỗi lúc ốm đau, bệnh tật.
Theo Cục An toàn Thực phẩm của Bộ Y tế, số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ cho thấy hằng năm vào thời điểm mùa Xuân và đầu mùa Hè đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...), trong đó đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho những người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa kịp thời.
Cục An toàn Thực phẩm vừa ban hành Công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc)./.
Thanh Thủy (TTXVN/Vietnam+)