Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ và phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Những người mất tích tập trung chủ yếu ở hai điểm sạt lở đất nghiêm trọng gồm: Thôn Tà Rùng, xã Húc và tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa. Ngoài ra, tỉnh còn có 12 người bị thương. Sáng 18/10, lũ trên các sông ở Quảng Trị đang xuống chậm. Trước đó, trong đêm 17/10, lũ trên các sông ở Quảng Trị phổ biến xấp xỉ báo động 3 đến trên báo động 3. Riêng Sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị đạt 7,4m vượt báo động 3 là 1,40. Sông Hiếu tại thành phố Đông Hà đạt 5,35m vượt báo động 3 là 1,35 m - vượt đỉnh lũ lịch sử 1983 là 0,7m. Địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể, 80 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn trên địa tỉnh bị ngập lụt.
Lực lượng chức năng khẩn trương đào bới, tìm kiếm cán bộ, chiến sỹ bị vùi lấp tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 thuộc địa bàn thôn Cộp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị . Ảnh: TTXVN phát
Những địa phương đã bị ngập trong nước lũ gồm: Thành phố Đông Hà có tất cả 9 phường đều có nhà bị ngập lụt. Tại hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều bị ngập lụt sâu trên diện rộng. Tỉnh có gần 42.000 hộ với trên 148.000 người bị ngập lụt. Hơn 8.200 hộ với trên 24.500 người đã được sơ tán đến nơi an toàn. Tỉnh có trên 1.300 ha ao hồ nuôi thủy sản, hơn 2.5700 ha rau màu, cùng hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị ngập lụt và nước lũ cuốn trôi. Mưa lũ đã khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở gây tắc đường. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời chi viện nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân ở vùng bị cô lập.