Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, khi đi qua các tuyến đường chính của thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), không khó để thấy sự bất cập về cách đánh số nhà trên đường phố. Trên tuyến đường Lý Thường Kiệt, nằm ở trung tâm thành phố Đông Hà, điểm đầu từ Quốc lộ 1, điểm cuối nối vào đường Nguyễn Du (từ Đông lên Tây, tính theo số nhà từ nhỏ đến lớn) có chiều dài hơn 3km. Số nhà bên lẻ cuối đường Lý thường Kiệt là số 249, bên chẵn là 248. Với 2 dãy số này, về nguyên lý thì mỗi bên có gần 174 nhà ở và công sở, tuy nhiên trên thực tế hiện tại mỗi bên nhà và công sở tăng gần gấp đôi. Qua đó, cho thấy nhà ở và công sở trên tuyến đường Lý Thường Kiệt phát triển khá nhanh.
|
Tình trạng người dân tự đặt số nhà đang phổ biến ở thành phố Đông Hà. |
Do công tác rà soát, điều chỉnh số nhà trên tuyến đường Lý Thường Kiệt từ chính quyền địa phương còn tắc trách, dẫn đến sự lộn xộn số nhà. Cụ thể, có quá nhiều nhà cùng một số, không có thêm kí hiệu A, B, C... có đoạn nhà có số kèm theo ký hiệu nhưng không tuân theo một trật tự khoa học, hầu như nhà nào thích lấy ký hiệu chữ gì thì tùy người dân. Điển hình, đoạn từ số nhà 178 Lý Thường Kiệt (đây là trụ sở của Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Trị) đến số nhà 184. Đoạn này có khoảng 20 nhà, công sở, nhà thờ, trong đó có đến 7 nhà không có số, có 3 nhà liền kề nhau cùng một số (178). Điều đáng nói là có 3 nhà cùng số 178 mà cách xa nhau, bao gồm một trụ sở nhà nước đó là liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Trị và 2 ngôi nhà khác của người dân…
Anh Lê Văn Trắc, ở nhà 178C Lý Thường Kiệt cho biết: Ở đoạn đường anh ở có nhiều nhà cùng số 178, có một nhà số 178D, riêng nhà anh ở gần và nằm phía dưới nhà 178D tính từ Đông lên Tây, con trai của anh đã tự làm một tấm bảng số nhà 178C. Nhờ vậy, từ ngày đó khách tìm đến nhà anh dễ dàng hơn trước.
Rời tuyến đường Lý Thường Kiệt, phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhanh chóng di chuyển tới đường Hùng Vương. Con đường này được xem là đại lộ của thành phố Đông Hà, có vạch ngăn cách cứng, tổng chiều dài khoảng 5km, điểm đầu từ ngã tư giao nhau với các đường Trần Hưng Đạo, Lê Quý Đôn, điểm cuối hiện tại là cầu bắc qua sông Vĩnh Phước, giáp ranh với đất Triệu Phong (tính từ Bắc vào Nam).
Đường Hùng Vương được xây dựng khá sớm và được hình thành theo nhiều dự án khác nhau. Cụ thể, năm 1990, dự án đường Hùng Vương (còn gọi là đoạn 1) được xây dựng với tổng chiều dài khoảng 800m, sau đó các đoạn nối dài đường Hùng Vương được tiếp tục xây dựng.
Có một nghịch lý, đó là số nhà tuyến đường Hùng Vương được phân ra 2 đoạn ngược chiều nhau. Cụ thể là đoạn đầu tiên, số nhà thứ tự từ nhỏ đến lớn tính từ Nam (nhà Trung tâm văn hóa tỉnh) đến Bắc (ngã tư nói trên); còn đoạn đường Hùng Vương xây dựng sau (người dân hay còn gọi là đường Hùng Vương nối dài), thì số nhỏ bắt đầu từ một nhà liền kề với nhà Trung tâm văn hóa tỉnh, số lớn đến cầu bắc qua sông Vĩnh Phước (tính từ Bắc vào Nam). Do ngược chiều nhau nên dãy nhà số chẵn, số lẻ hai đoạn này cũng ngược nhau gây ra sự bất hợp lý, thiếu xuyên suốt, thiếu khoa học. Đồng thời, cuối đường Hùng Vương (cũ) có đến 3 nhà cùng số 68… Sự bất hợp lý này khiến không ít người đi đường “kêu trời” khi tìm nhà trên tuyến Hùng Vương.
Theo nhiều nhà chuyên môn đánh giá: Những bất cập về gắn số nhà trên tuyến đường Hùng Vương xuất phát từ 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất, đó là về hạn chế tầm nhìn, dự báo không đúng về quy hoạch và phát triển đô thị. Lúc bấy giờ, dù chưa tính đến dự án đoạn Hùng Vương tiếp theo, nhưng thị xã Đông Hà đã (nay là thành phố Đông Hà) có xu thế phát triển về hướng Nam. Bởi nếu tính từ đoạn đường Hùng Vương đầu tiên tính ra hướng Bắc thì rất ngắn so với hướng vào Nam. Như vậy, đường Hùng Vương đầu tiên lấy số nhà thứ tự từ nhỏ đến lớn theo hướng Bắc vào Nam mới phù hợp với xu thế hơn. Yếu tố thứ hai, đó là sau khi đoạn đường Hùng Vương nối dài được tiếp tục xây dựng vào hướng Nam (tính từ đoạn Hùng Vương đầu tiên) thì cơ quan thẩm quyền cần kịp thời điều chỉnh, đối số nhà đoạn Hùng Vương đầu tiên ngược lại để nối tiếp vào đoạn Hùng Vương nối dài.
Trên thực tế, đoạn đường Hùng Vương đầu tiên không dài, đồng thời, việc đổi lại số nhà không phải quá khó khăn trên một tuyến đường ngắn như vậy, nhưng không hiểu lý do vì sao chính quyền địa phương không thực hiện?
Trong thời gian qua, công tác rà soát, điều chỉnh số nhà đường phố trên địa bàn thành phố Đông Hà dường như bị bỏ ngỏ. Với sự rối rắm số nhà như vậy, Đông Hà có xứng tầm với một đô thị loại III không? Câu hỏi này xin nhường lại cho chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn.
Cũng xin thông tin thêm, từ năm 2013, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng và phát triển thành phố Đông Hà đến năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Đề án Xây dựng thành phố Đông Hà trở thành đô thị loại II vào năm 2020, nhưng đến nay (năm 2022) Đông Hà vẫn “nguyên” là đô thị loại III…?