Quảng Trị: “Cô nuôi” tại các trường mầm non công lập sẽ được trả lương, hỗ trợ đóng BHXH 

Nhiều năm qua, tình trạng thiếu nhân viên nuôi dưỡng ở các trường mầm non tại Quảng Trị khiến một số trường phải bố trí giáo viên đứng lớp vào bếp. Từ ngày 1/1/2019, các trường mầm non công lập tại địa phương này sẽ được bố trí nhân viên nuôi dưỡng, được trả lương, hỗ trợ đóng BHXH.

Cô giáo vừa dạy học, vừa làm cô nuôi

Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học nền tảng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển giáo dục phổ thông và chiến lược phát triển con người. Những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, ngành học MN đã có những bước tiến rõ rệt, đã huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất; việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; xây dựng hệ thống trường trọng điểm chất lượng cao được chú trọng.

Tuy nhiên, theo yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, để đáp ứng với sự đi lên của xã hội và nhu cầu của nhân dân thì GDMN còn nhiều khó khăn, bất cập như cơ sở vật chất còn chưa hoàn thiện, trường lớp còn thiếu khang trang, trang thiết bị còn thiếu đồng bộ... Trong đó, có khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ là đội ngũ làm nhiệm vụ nấu ăn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được xếp vào vị trí việc làm bắt buộc ở trường MN, chưa được đảm bảo các chế độ lao động, dẫn đến tình trạng thiếu người nấu ăn và những người nấu ăn đang làm việc thì không yên tâm công tác. Từ đó, làm ảnh hưởng đến các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong nhà trường.

“Cô nuôi” tại các trường mầm non công lập sẽ được trả lương, hỗ trợ đóng BHXH - Ảnh 1.

Học sinh Quảng Trị được chăm sóc buổi trưa, ăn nghỉ tại trường.

Đặc biệt, ở miền núi, vì điều kiện khó khăn nên các trường MN không thu được kinh phí hỗ trợ việc nấu ăn nên không hợp đồng được nhân viên nuôi dưỡng. Vì vậy, giáo viên và các nhân viên ở các trường vừa làm công tác chuyên môn, vừa nấu ăn cho trẻ; hoặc phụ huynh nấu ăn sẵn ở nhà rồi đưa đến trường cho trẻ.

Theo thống kê của ngành giáo dục Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có 152 trường MN công lập với hơn 1.370 nhóm lớp học bán trú 2 buổi/ngày cho 35.120 cháu (5.226 cháu nhà trẻ và 29.895 cháu mẫu giáo); 100% trường MN công lập đều tổ chức bán trú học 2 buổi/ngày với số lượng bếp ăn hiện có là 318 bếp. Đối chiếu với qui định tại thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (35 cháu nhà trẻ/1 người nấu ăn, 50 cháu mẫu giáo/1 người nấu ăn), số người nấu ăn hiện cần cho các trường MN công lập trong toàn tỉnh là 747 người.

“Việc thiếu nhân viên nuôi dưỡng tại các trường MN, nhất là ở miền núi nảy sinh nhiều khó khăn, vất vả cho giáo viên, khi các cô giáo không thể kiêm cùng lúc 2 việc vừa đứng lớp, vừa nấu ăn cho trẻ. Còn một số phụ huynh nấu ăn sẵn ở nhà rồi đưa đến trường cho trẻ, thì chất lượng bữa ăn không đạt. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục cũng như thể chất của trẻ”, TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho hay.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở GD-ĐT xây dựng đề án “Thực hiện chế độ lương và BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động hợp đồng nấu ăn tại các trường Mầm non công lập”.

Mục đích xây dựng đề án này nhằm bảo đảm hầu hết trẻ em năm tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày... nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp MN năm tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Gỡ “nút thắt” đối với cô nuôi MN

Tại kỳ họp thứ 9, khóa VII (nhiệm kỳ 2016-2021) của HĐND tỉnh Quảng Trị, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thực hiện chế độ lương và hỗ trợ BHXH đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn (nhân viên nuôi dưỡng) trong các trường MN công lập.

Từ ngày 1/1/2019, các trường MN công lập tại tỉnh Quảng Trị sẽ được bố trí nhân viên nuôi dưỡng. Các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ được ngân sách chi trả hoặc xã hội hóa tùy theo điều kiện.

 

“Cô nuôi” tại các trường mầm non công lập sẽ được trả lương, hỗ trợ đóng BHXH - Ảnh 2.

Cô nuôi Mầm non sẽ được hợp đồng có trả lương, được hỗ trợ đóng BHXH.

Nghị quyết nêu rõ, số lượng hợp đồng, chế độ lương và hỗ trợ đóng các loại BHXH bao gồm BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với nhân viên nuôi dưỡng sẽ được áp dụng theo các văn bản hiện hành. Tiền lương hằng tháng của nhân viên nuôi dưỡng bằng mức lương tối thiểu vùng nhân với hệ số 1,07; thời gian trả lương 9 tháng/năm. Nhân viên nuôi dưỡng sẽ được hỗ trợ đóng các loại BHXH do ngân sách chi trả 9 tháng/năm; riêng đối với vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đóng BHXH 12 tháng/năm.

Đối với vùng đặc biệt khó khăn, tiền lương và BHXH do ngân sách chi trả 100%; ở vùng khó khăn, ngân sách hỗ trợ 50% tiền lương, 50% xã hội hóa, BHXH được ngân sách hỗ trợ 100%; ở vùng thuận lợi lương được xã hội hóa 100%, BHXH nhà nước chi trả 100%.

Nghị quyết cũng khuyến khích các địa phương huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thêm lương, nhưng mức hỗ trợ lương tối đa không quá 50% mức lương tối thiểu vùng… Đề án trên được thông qua là tin mừng không chỉ đối với các nhân viên nuôi dưỡng, mà các trường khó khăn lâu nay chưa được bố trí vị trí việc làm.

Thông tin tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Trị ngày 27/12, ông Nguyễn Quân Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc HĐND tỉnh thông qua đề án hỗ trợ đối với “cô nuôi” tại các trường MN thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm đối với đội ngũ này, giúp họ có thể yên tâm hơn trong công việc. Hơn nữa, các trường MN cũng như giáo viên và phụ huynh yên tâm, không phải lo lắng về bữa ăn cho con em mình.

Theo dantri

1161 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 519
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 519
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87333394