Nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều tuyến phố tại Hội An ngập nước - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Quảng Nam: Bão tan, người dân lại lo đối phó với lụt
Đến chiều 28/9, TP. Hội An đã hết mưa, tuy nhiên nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều tuyến phố ngập nước. Ghi nhận tại một số tuyến phố cổ Hội An như Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Trần Phú bị ngập lụt. Có đoạn ngập sâu gần 1 m, nhiều đoạn cũng ngập lên tới 40 cm.
Tại bờ biển Cửa Đại, trước sức công phá dữ dội của sóng to gió lớn trong đêm bão Noru đổ bộ, đoạn kè vừa được gia cố đã bị vỡ. Sau bão số 4 khiến nhiều đoạn đường qua Quốc lộ 1 bị chia cắt, nhiều tuyến huyết mạch trên địa bàn Quảng Nam cũng bị cô lập. Trong đó, tuyến Quốc lộ 1 đoạn giáp ranh Phú Ninh và Thăng Bình ngập sâu.
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lực lượng các tổ chốt chặn hai đầu để hướng dẫn và chỉ cho một số xe tải qua lại.
Đoạn kè tại biển Cửa Đại đã bị quật tan nát - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hiện mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đang lên nhanh. Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt đỉnh ở mức 8,4 m, trên mức báo động 2 là 0,4 m, sau đó xuống chậm. Lũ trên sông Thu Bồn cũng đạt đỉnh và xuống chậm trong 6-12 giờ tới.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông suối vùng núi các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước, một số xã vùng núi huyện Núi Thành, Phú Ninh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, Hiệp Đức, Nông Sơn và một số xã vùng núi huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt sâu những vùng trũng thấp, ven sông suối tại Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra công tác khắc phục tại huyện Đakrông - Ảnh: VGP/Minh Trang
Quảng Trị: rà soát lại các thôn bản có nguy cơ lũ quét, ngập lụt để di dời người dân
Ngày 28/9, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và ứng phó hoàn lưu sau bão số 4 tại các huyện miền núi.
Tại huyện miền núi Đakrông, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn huyện Đakrông đã có mưa to làm nước sông dâng cao từ 0,5–2,5 m gây chia cắt một số tuyến đường ở các ngầm tràn ở các xã: Ba Lòng, A Ngo, Húc Nghì, Đakrông...
Mực nước tại các thủy điện trên địa bàn xã vượt ngưỡng 0,6-2 m. Mưa bão làm mất điện trên địa bàn huyện vào lúc 22h55' ngày 27/9 đến nay vẫn đang khắc phục.
Tại huyện Đakrong, mực nước các sông đang dâng cao dễ dẫn đến nguy cơ lũ quét - Ảnh: VGP/Minh Trang
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, thiệt hại sơ bộ do bão số 4 gây ra trên địa bàn tỉnh khiến 8 người bị thương, hơn 130 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, trong đó có 2 nhà bị sập hoàn toàn...
Tại chuyến kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, sau bão, UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần kiểm tra lại tình hình dịch tễ, vệ sinh môi trường để đưa người dân trở lại ổn định sản xuất, rà soát lại các công trình, cơ sở vật chất hư hỏng bị lũ cuốn trôi để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ, đầu tư sửa chữa nâng cấp. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Sở GTVT cùng với các huyện Hướng Hóa, Đakrông tiếp tục rà soát, kiểm tra các ngầm tràn, cầu... để cắm biển báo, nghiêm cấm người dân qua lại tại khu vực nước dâng cao, nguy hiểm.
Các cấp chính quyền phải thường trực 24/24h sẵn sàng ứng cứu hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các vùng bị chia cắt, khẩn trương gia cố, nâng cấp các công trình hư hỏng để hạn chế thiệt hại cho các vùng trong mùa mưa bão.
Minh Trang- Lưu Hương