Quảng cáo trên mạng vẫn diễn biến phức tạp 

(Chinhphu.vn) – Nhiều doanh nghiệp vẫn để quảng cáo bị cài đặt nội dung xấu, độc hại, vi phạm pháp luật và không có giải pháp triệt để chấm dứt vi phạm. Nguyên nhân chính do các doanh nghiệp vẫn chạy theo view và lợi nhuận.
Quảng cáo trên mạng vẫn diễn biến phức tạp- Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/ĐH

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã thông tin một số kết quả đạt được cũng như đề xuất các giải pháp, để tiếp tục ngăn chặn hành vi vi phạm quảng cáo trên không gian mạng vẫn diễn ra phức tạp.

Theo đó, ông Lê Quang Tự Do cho biết, tuy đã có một số biện pháp chặt chẽ hơn khi triển khai Nghị định 70/2021/NĐ-CP nhưng nhiều đại lý quảng cáo vẫn liên tục vi phạm, cá biệt có doanh nghiệp lớn vi phạm 2-3 lần.

"Các doanh nghiệp vẫn để quảng cáo bị cài đặt vào nội dung vi phạm pháp luật, không có giải pháp triệt để chấm dứt vi phạm. Nguyên nhân chính là các đại lý quảng cáo vẫn chạy theo view và lợi nhuận", Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh.

Doanh nghiệp chưa ứng dụng triệt để White list và Black list

Một trong những giải pháp mà Bộ TT&TT đưa ra cuối năm 2022 và triển khai trong 2023 để các doanh nghiệp quảng cáo chủ động thực hiện quảng cáo trên các doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động quảng cáo lành mạnh, hiệu quả, đó là triển khai danh sách Black List và White List.

Trong đó, Black List là danh sách kênh mạng xã hội, website có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật và yêu cầu các nhãn hàng không quảng cáo trên đó. Còn White List là danh sách đơn vị hoạt động có giấy phép, nội dung sạch, được khuyến nghị quảng cáo.

Quảng cáo trên mạng vẫn diễn biến phức tạp- Ảnh 2.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Bộ TT&TT sẽ mở rộng danh White list và Black list - Ảnh: VGP/ĐH

Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do nhận định, việc triển khai các giải pháp đã tăng cường nhận thức của doanh nghiệp quảng cáo, nhãn hàng và người làm nội dung quảng cáo, tuy nhiên hoạt động này vẫn diễn ra phức tạp, chưa thể ngăn chặn hoàn toàn nội dung xấu độc, nhảm nhí, câu view phản cảm trên không gian mạng.

Trong năm 2023, Bộ TT&TT cũng đã lập danh sách Black list gồm 47 trang và tài khoản Facebook, 102 kênh YouTube, 403 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều nhãn hàng vẫn tiếp tục để quảng cáo ở các trang vi phạm, chưa ứng dụng triệt để giải pháp BlackList và White List mà Bộ khuyến nghị. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lớn bị cơ quan quản lý xử phạt liên tiếp 2-3 lần.

Lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cũng thừa nhận một thực trạng, khi sử dụng danh sách Black list, tất cả các nền tảng xuyên biên giới không hỗ trợ cho các đại lý quảng cáo trong nước về danh sách này. Tức là danh sách Black list của chúng ta đặt ra nhưng các nền tảng xuyên biên giới vẫn cho phép các đối tượng phản động truy cập, vì vậy danh sách này không đủ để các doanh nghiệp hoạt động an toàn trên không gian mạng.

Mở rộng lập danh sách kênh White list và Black list

Tại Hội nghị, một số doanh nghiệp quảng cáo, nhãn hàng lớn tại Việt Nam cũng nêu ra một số thách thức, như White List còn hẹp, không đảm bảo chỉ tiêu về quảng cáo cho nhãn hàng; người làm nội dung có thể "hôm nay trong danh sách White list, ngày mai Black list", khiến họ có thể bị phạt dù ngay sau một đêm.

Vì vậy, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất giải pháp đổi mới ý tưởng về danh sách White list và Black list mở rộng để các đại lý quảng cáo nhãn hàng.

Theo đó, Cục sẽ mở rộng danh sách White list theo 3 cách: mời các mạng đa kênh (MCN) tại Việt Nam gửi danh sách kênh mình quản lý để bổ sung; nhãn hàng cũng có thể đề xuất danh sách đối tác quảng cáo; Bộ cũng mở một cổng đăng ký để người làm nội dung chủ động đăng ký vào danh sách.

"Khi mở rộng danh sách này, chúng tôi ước tính sẽ có vài chục nghìn kênh mạng xã hội được đưa thêm vào. Vì vậy, nếu các nhà quảng cáo còn vi phạm, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Theo đề xuất của Cục, trong năm 2024 này, Bộ sẽ công khai tên nhãn hàng quảng cáo vi phạm để các doanh nghiệp có ý thức hơn trong bảo vệ nhãn hàng của mình. Với những trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, Bộ sẽ có cơ chế phối hợp với Bộ Công an để xử lý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, hiện nay, quảng cáo không lành mạnh, quảng cáo xấu, thậm chí quảng cáo lừa đảo đang là vấn đề lớn trong xã hội.

Vì vậy, chúng ta phải đẩy nhanh danh sách White list và phải làm rõ ràng, cập nhật liên tục. Với Black list, không nên chỉ có danh sách từ cơ quan nhà nước mà nên có từ chính các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp…

Thứ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp quảng cáo bằng công nghệ tuân thủ pháp luật và hãy tìm cơ hội có thể giúp khách hàng tối ưu hoá chi phí tốt hơn, quản trị rủi ro tốt hơn và kết quả, hiệu quả vẫn tốt.

Thứ trưởng cũng gợi ý, chúng ta hoàn toàn có thể ban hành một quy tắc ứng xử trong ngành quảng cáo trên không gian mạng. Khi đó, không chỉ có danh sách White list, Black list làm nội dung mà hoàn toàn có thể có Black list của những đơn vị làm quảng cáo bất kỳ ở nước ngoài hay xuyên biên giới.

Nếu cần ban hành quy tắc ứng xử này, Bộ TT&TT sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp để ban hành và cùng giám sát thực hiện, Thứ trưởng nhấn mạnh.

HM

52 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 827
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 827
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87179650