Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự và chủ trì Hội nghị có
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã quán triệt Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị với một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 55 đó là: Đến năm 2030, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20%; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7%. Mục tiêu cụ thể đến năm 2045 là năng lượng sơ cấp đạt khoảng 320-350 triệu TOE (tấn dầu tương đương). Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 25-30%; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 20%…
Quát triệt các nội dung chính của chiến lược, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng, góp phần quan trọng vào thành tựu 35 năm đổi mới của đất nước.
Kế thừa các quan điểm và tầm nhìn xuyên suốt, đúng đắn trong phát triển năng lượng của Đảng ta, Nghị quyết 55 được Bộ Chính trị ban hành với các điểm mới phù hợp với bối cảnh, tình hình và yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Nghị quyết nêu rõ bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng làm rõ thêm các quan điểm nêu trong Nghị quyết, trong đó về quan điểm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng.
“Không có kinh tế tư nhân không thể phát triển nhanh ngành điện đáp ứng yêu cầu, nhưng không có nhà nước thì không thể thực hiện được an ninh năng lượng và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, do vậy cần phối hợp hết sức nhuần nhuyễn, bảo đảm đúng vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để phát triển ngành điện”, ông Nguyễn Văn Bình phân tích.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP. |
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh quan điểm nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng các nhà máy điện và lưới điện thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng; coi việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
Đối với quan điểm phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ông Nguyễn Văn Bình lưu ý phải đảm bảo năng lượng nền từ đó phát triển năng lượng tái tạo hợp lý.
“Cần chú ý quan hệ biện chứng giữa việc sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp của đất nước với việc nhập khẩu năng lượng, từ đó hợp tác quốc tế năng lượng hiệu quả để sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất nước và bảo tồn, bảo vệ môi trường”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình lưu ý.
Anh Minh