Quan tâm, hỗ trợ các nhóm dân tộc rất ít người  

(ĐCSVN) - Ở nước ta, những nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc trên 1 vạn người nhưng gặp nhiều khó khăn rất cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt để không bị tụt hậu xa hơn so với các dân tộc khác và hòa nhập với tiến trình phát triển của đất nước.

Đã có chính sách riêng

 Giai đoạn 2011 - 2020, hệ thống chính sách dân tộc ở nước ta được ban hành và triển khai thực hiện theo 3 nhóm: Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo vùng, địa bàn; nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực; nhóm chính sách theo dân tộc, nhóm dân tộc, trong đó chủ yếu thực hiện đầu tư, hỗ trợ đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người nhằm tập trung giải quyết khó khăn, bức xúc của đồng bào.

 Trong nhóm chính sách theo dân tộc, nhóm dân tộc, hiện nay, đã có 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người, đó là: Quyết định số 1672/QĐ-TTg dành cho các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao và Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”.

Bản người Mông ven Quốc lộ 4H, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (ảnh trái) và Trường PTDT bán trú xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vừa được đầu tư xây dựng khang trang giúp con em dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2016 - 2020, chính sách đối với dân tộc thiểu số rất ít người tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngân sách Trung ương đã cấp 419 tỷ đồng thực hiện Quyết định số 1672/QĐ-TTg, đạt 40,1% kế hoạch. Các địa phương đã triển khai đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình thủy lợi, cầu treo…; hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, lắp đặt trạm truyền thanh không dây, duy trì đội văn nghệ thôn bản, chiếu phim lưu động; tổ chức hoạt động lễ hội truyền thống, tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới…

 Chính sách theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg đã thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho 16 dân tộc thiểu số rất ít người tại 194 thôn bản, trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của 12 tỉnh. Do chính sách được ban hành vào thời điểm sau kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nên đến cuối năm 2018, mới bố trí được 146 tỷ đồng. Số vốn này cũng được các địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thôn bản, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của các dân tộc, thực hiện các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị ở thôn, bản vững mạnh; đồng bào từng bước ổn định đời sống và sản xuất, không còn du canh du cư. Sản xuất tuy vẫn mang nặng tính tự cung, tự cấp nhưng an ninh lương thực cơ bản đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc Mảng, La Hủ từ gần 100% đã giảm xuống còn 60,5% đối với dân tộc Mảng và 71,5% đối với dân tộc La Hủ.

 Cần hỗ trợ nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

 Ở nước ta, người La Hủ có 12.113 người, sinh sống tại 39 bản, 8 xã của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số năm 2019). Mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư qua chính sách đặc thù là Quyết định 1672/QĐ-TTg nhưng theo đồng chí Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè, tỷ lệ hộ nghèo trong người La Hủ tính đến thời điểm cuối năm 2019 vẫn cao gấp 3 - 4 lần so với mặt bằng chung của huyện. Bum Tở là một trong 8 xã của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có người La Hủ sinh sống. Năm 2020, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã không đạt, trong đó có những chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh như: tổng sản lượng lương thực có hạt, lương thực bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh, hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh…

 Những khó khăn mà người La Hủ đang gặp phải trong tiến trình phát triển cho thấy các dân tộc thiểu số rất ít người ở Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung cần tiếp tục được quan tâm đặc biệt, bởi có nguy cơ ngày càng tụt hậu.

Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, có nhiều dân tộc thiểu số rất ít người có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số từ 1,5 - 2,2 lần. 7/13 dân tộc có trên 30% người trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông, cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ bình quân chung của người dân tộc thiểu số. Nhà ở, điều kiện sinh hoạt, khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của một số các dân tộc thiểu số rất ít người cũng thấp hơn và còn nhiều khó khăn so với các dân tộc khác.

 Ngoài các dân tộc thiểu số rất ít người, hiện nay, một số dân tộc thiểu số tuy có dân số trên 1 vạn người như: Mông, Xinh Mun, Co, Bru Vân Kiều, Khơ Mú, Xơ Đăng… nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc này cao, chiếm trên 35% số hộ và cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; điều kiện sống, khả năng tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường rất khó khăn và thấp hơn so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số và rất thấp so với mức bình quân chung của cả nước cũng rất cần được quan tâm hỗ trợ. Tính theo các tiêu chí hộ nghèo và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, cả nước sẽ có 31 dân tộc thiểu số thuộc nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, với tổng dân số trên 3 triệu người.

 Để giải quyết những khó khăn trên, hiện Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Dự án là sự tích hợp các Quyết định số 1672/QĐ-TTg, Quyết định số 2086/QĐ-TTg, Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”.

 Theo đồng chí Phạm Thúy Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc cho rằng, việc tích hợp các Quyết định trên vào Dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia là giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc thiểu số.

 Đối với nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù là những dân tộc thiểu số rất ít người thì đối tượng, mục tiêu, nội dung chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện cơ bản không có sự thay đổi so với các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với những dân tộc có dân số trên 10 nghìn người được đưa vào danh mục nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trong Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ thực hiện hỗ trợ cây trồng, vật nuôi phù hợp để tạo sinh kế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống./.

 
Bài, ảnh: Phương Liên
260 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 737
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 737
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77152410